Sáng 22/7/2023, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) gồm xây dựng cầu đường sắt Đuống mới gồm cầu đường sắt và cầu đường bộ bằng vốn Ngân sách nhà nước. Cầu Đuống cũ sẽ phá dỡ sau khi cầu mới hoàn thành
Trong đó, hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng km9+075, điểm cuối khoảng km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu), dài 1.000 m; tim cầu mới cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi.
Còn hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Đến thời điểm hiện tại, sau 14 tháng thi công, cầu đường sắt mới đã triển khai các trụ cầu ở lòng sông Đuống và đang thi công các trụ ở địa bàn quận Long Biên và Gia Lâm.
Hiện, trụ của cầu đường sắt cùng khối lượng thi công một số hạng mục chính đã được nhà thầu thi công cơ bản hoàn thành.
Trong khi đó, gói thầu cầu đường bộ Đuống, nhà thầu đang thực hiện công tác hoàn trả mái kè trụ T3, đã hoàn thành cọc khoan nhồi trụ T4, T5; trụ T5 đang tiến hành đóng cọc cừ khung vây, đổ bê tông bù vênh đã hoàn thành, tiếp tục đào đất hố móng và lắp dựng khung tầng…
Tuy nhiên, ở gói thầu này, công tác thi công gặp khó khăn do không có mặt bằng để thi công trụ cầu trên bờ và đường dẫn ở cả hai đầu cầu phía quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ giải phóng mặt bằng thực tế tại dự án trên vẫn "giậm chân tại chỗ".
Hình ảnh bên phía quận Long Biên, hiện các nhà dân thuộc khu vực xây dựng cầu đường bộ vẫn chưa di dời.
Bên phía huyện Gia Lâm, tình trạng GPMB cũng tương tự.
Cầu Đuống thông xe vào năm 1902, có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại. Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau đó, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2, 4, chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại. Hạn chế của tuyến đường thủy này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống.
https://dongvon.doanhnhanvn.vn/khoi-cong-thang-7-nam-ngoai-cau-duong-moi-gio-ra-sao-4320241021162757844.htm