Không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành; lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.
khong chuc tet lanh dao chinh phu lanh dao cac bo nganh
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc không chúc Tết lãnh đạo. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo rất đáng chú ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra.

Nhấn mạnh tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn phổ biến, nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu “phải kiên quyết xử lý, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; tập trung vào hoàn thiện thể chế không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin – cho. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.

“Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô-tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa, bán hết vốn nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm cả về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.

Đối với 5 dự án đầu tư gây thua lỗ, lãng phí đã báo cáo Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương có biện pháp xử lý ngay, “không để tình trạng đắp chiếu để đấy”; kỳ họp tới phải báo cáo Quốc hội cụ thể kết quả xử lý. Phải bảo đảm thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước; làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.

Không dừng lại ở 5 dự án này, Thủ tướng giao các Bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm cán bộ, sử dụng lao động; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nổi cộm. “Đại biểu Quốc hội chất vấn tôi về tình trạng xây nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, gây quá tải về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ công, an ninh trật tự, an toàn, gây bức xúc xã hội. Đây là một thực tế, dư luận nói lợi ích nhóm từ việc này rất lớn”, Thủ tướng nói và yêu cầu chấn chỉnh quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện đúng các quy hoạch, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.