Hà Nội giá rét những ngày cuối năm nhưng lại nóng bởi chuyện của những chiếc xe buýt nhanh trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa.
Khi những chiếc xe buýt nhanh mang ký hiệu BRT bắt đầu lăn bánh trên tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương về bến xe Yên Nghĩa thì cũng là lúc dư luận dậy sóng.
Chỉ cần gõ từ khóa “xe buýt nhanh”, trong vòng 0,32 giây, Google đã cho ra hơn 8 triệu kết quả. Những cụm từ “vật vã” trong giờ tan tầm; “chôn chân” trên đường giờ cao điểm; “bò như rùa” trên đường Hà Nội; “bò” sau ô tô, xe máy… xuất hiện dày đặc trên mạng.
Ô tô xe máy đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh |
Người ta không tiếc lời chê bai cái dự án hơn 1 nghìn tỷ đồng mà xe chỉ chạy nhanh hơn buýt thường chưa tới 10 phút, chứ không phải là 30 phút như mục tiêu đề ra.
Người tham gia giao thông giận dữ khi phải nhường một làn đường cho những chiếc xe sơn màu xanh hy vọng; họ khó chịu khi những tấm biển cấm rẽ trái mọc lên như trêu ngươi, khiến họ phải đi vòng thêm vài chục phút.
Trong nỗi bực dọc vì những phiền toái “trên trời rơi xuống” ấy, thật khó để tìm được sự cảm thông của đám đông. Người ta như chỉ mong dự án xe buýt nhanh phá sản để không phải chịu những xáo trộn, dù phải chấp nhận kẹt xe khi ra đường mỗi ngày.
Rồi chuyện các doanh nghiệp ở bến xe Mỹ Đình đóng cửa xe, không đón khách để phản đối chủ trương chuyển tuyến nhằm sắp xếp lại trật tự giao thông của thành phố. Vụ việc đã gây khó khăn cho người dân về quê nghỉ Tết dương lịch, buộc Hà Nội phải điều hàng trăm chuyến xe dự phòng để giải tỏa ách tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tình trạng ùn tắc giao thông đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội xem như một “thảm họa” của thủ đô. Vì vậy, ngăn chặn "thảm họa” giao thông đã thành quyết tâm của chính quyền TP.
Xe buýt nhanh đã chính thức vận hành, những bất cập ban đầu được TP Hà Nội quyết tâm khắc phục để buýt nhanh trở thành một loại hình vận chuyển công cộng văn minh, nhiều tiện ích.
Hà Nội không thể để một dự án trị giá 1.100 tỷ đồng bị phá sản dễ dàng chỉ vì thói quen đi lại tùy tiện của người dân, vì những dòng comment ném đá của cư dân mạng, mà sẽ làm tới cùng để những chiếc xe buýt nhanh được đi đúng phương án thiết kế.
Sẽ không có chuyện “đầu voi, đuôi chuột”, xây nhà chờ, lắp biển báo, kẻ vạch phân làn rồi để đấy cho lấm bụi thời gian. Vụ đình công ở bến xe Mỹ Đình đã dần được giải quyết qua đối thoại, không hành khách nào bị bỏ lại bến, hành khách đã dần di chuyển về đúng tuyến.
Tuy nhiên, về lâu dài, cái mà Hà Nội cần là người dân phải tham gia giao thông như những người có văn hóa - biết tự giác chấp hành và sẵn sàng nhường đường. Chứ không phải là thứ văn hóa hô hào, kêu cho sang miệng, rồi sẵn sàng vứt bỏ bất cứ lúc nào nếu vắng bóng cảnh sát giao thông.
Không có liều thuốc thần nào có thể cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, nếu không thay đổi được thói quen tham gia giao thông tùy tiện hiện nay của người dân.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào phải trả giá trực tiếp cho những sai lầm, người ta mới chịu thay đổi thói quen. Nếu cảnh sát giao thông không dễ dãi bỏ qua lỗi vi phạm; hành vi xấu của người tham gia giao thông trở thành đối tượng lên án của báo chí và mạng xã hội, chắc chắn họ sẽ từ bỏ thói quen lấn làn, vượt đèn đỏ, đỗ xe gây tắc đường.
Nếu tình trạng phá nát qui hoạch bằng những dự án chung cư cao tầng giữa nội đô có người chịu trách nhiệm; câu hỏi “Mảnh đất trống nào cũng xây cao ốc, Hà Nội sẽ ra sao?” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 29/12 vừa rồi có người trả lời thì chuyện nhà cao tầng nuốt chửng giao thông mới có cơ may chấm dứt.
Với hơn 6 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô, sẽ không có liều thuốc kỳ diệu nào có thể chữa được căn bệnh ùn tắc cho những con đường của Hà Nội.
Giữa việc tự do đi lại bằng phương tiện cá nhân để chịu cảnh kẹt xe, với sử dụng xe buýt để khỏi tắc đường, người dân chỉ được quyền chọn một.
Nếu không chịu mất mát một chút gì đó để thay đổi, dù chỉ là dành một làn đường cho xe buýt, mất thêm chục phút đi đường vòng, thì tình trạng tắc đường của Hà Nội đúng là “ thảm họa” được thấy trước trong tương lai gần.