Không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia khiến học sinh lo lắng

Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2018 khiến học sinh, giáo viên lo lắng vì không biết chương trình lớp 11 được đưa vào đề như thế nào và mức độ phân hóa ra sao.

Ngày 4/10, Bộ GD&ĐT thông báo sẽ ban hành công văn hướng dẫn dạy học và ôn tập, đồng thời khẳng định không cần có thêm đề minh họa THPT quốc gia 2018.

Thông tin này khiến nhiều học sinh, giáo viên bất ngờ, lo lắng vì dù kỳ thi được khẳng định giữ nguyên cấu trúc như năm ngoái.

Thi phần nào, phân hóa ra sao?

Đây là mối băn khoăn chung của nhiều học sinh lớp 12 khi năm nay, nội dung đề thi sẽ có thêm phần kiến thức lớp 11.

“Nếu bộ không ra đề minh họa, học sinh rất khó xác định hướng học tập. Hơn nữa, chúng em cũng thấy thiệt thòi so với các anh chị khóa trước”, Trần Duy Khương, học sinh lớp 12 ở Đồng Nai, chia sẻ.

Nam sinh này hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi quyết định, sớm công bố đề minh họa để em cũng như các thí sinh khác có đủ thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.

khong cong bo de thi minh hoa thpt quoc gia khien hoc sinh lo lang
Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm nội dung chương trình lớp 11 và 12. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thầy Lê Phạm Thành, giáo viên dạy Hóa học ở Hà Nội, khẳng định việc băn khoăn, lo lắng của học sinh là có cơ sở. Thầy lý giải trước năm 2015, cấu trúc đề thi nhìn chung ổn định. Học sinh, giáo viên có thể tham khảo đề thi năm trước để có hướng ôn tập. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, việc thi cử thay đổi quá nhiều cả về hình thức lẫn nội dung.

Năm nay, thầy cô, học sinh không nắm được ma trận đề thi ra sao, lượng kiến thức lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm và xuất hiện ở dạng câu hỏi như thế nào.

Thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên Ngữ văn, cho rằng nếu không có đề minh họa, học sinh và giáo viên khó nắm được tỷ lệ phần trăm kiến thức phân bổ trong đề thi.

Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học, nhận định lý do bộ đưa ra là định dạng đề thi THPT 2018 giống với năm 2017 không thuyết phục vì nội dung thi sẽ khác.

Nếu không công bố đề minh họa, ít nhất bộ nên công bố tài liệu ôn tập, tương tự các cuốn cẩm nang hướng dẫn thi tốt nghiệp dành cho học sinh như trước khi gộp 2 kỳ thi.

Cùng quan điểm, thầy Thịnh Văn Nam, giáo viên môn Sinh học trường THPT Đoàn Kết (Hà Nội), khẳng định Bộ GD&ĐT cần ra đề minh họa vì sự thay đổi nội dung đề thi sẽ tăng thêm lượng kiến thức cần học.

khong cong bo de thi minh hoa thpt quoc gia khien hoc sinh lo lang
Thầy Thịnh Văn Nam cho rằng bộ cần công bố đề thi minh họa, đặc biệt khi trong 10 năm nay, môn này không thi phần kiến thức lớp 11.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, đề thi Sinh học không bao gồm kiến thức lớp 11. Trước sự thay đổi năm nay, Bộ GD&ĐT nên công bố đề để giáo viên, học sinh biết hướng khai thác.

Ngoài ra, đề thi năm 2018 chắc chắn khó hơn và có tính phân loại cao hơn năm ngoái. Thí sinh cũng cần biết trước hướng thay đổi này để ôn thi hiệu quả.

Việc tăng thêm lượng kiến thức lớp 11 cũng là mối bận tâm của giáo viên Vật lý cũng như những em chọn môn này để tính điểm xét tuyển đại học. Tương tự Sinh học, trong 10 năm qua, đề thi môn Vật lý không bao gồm kiến thức lớp 11.

Thầy Ngô Thái Ngọ, giáo viên Vật lý ở Hà Nội, nhận định sự thay đổi trong nội dung đề thi THPT quốc gia 2018 chắc chắn sẽ gây khó khăn cho thí sinh vì lượng kiến thức Vật lý lớp 11 rất nặng.

Vì thế, đề minh họa sẽ hỗ trợ thí sinh ôn tập đúng hướng. Ngoài ra, việc này còn có tác dụng trấn an tinh thần giáo viên, học sinh, giúp thầy cô và các em yên tâm dạy, học.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử ở TP.HCM, băn khoăn việc không có đề thi minh họa rất dễ tạo ra các thắc mắc về tính công khai, minh bạch trong việc ra đề cũng như sự lúng túng trong việc ôn và luyện thi của học trò. Nữ giáo viên đề nghị Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, với nội dung lớp 11-12 có tỷ lệ 30-70%.

Trong khi đó, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cho rằng lý giải của bộ về việc không công bố đề minh họa cũng có lý. Tuy nhiên, đề thi năm nay thay đổi so với năm ngoái, bao gồm việc đưa thêm kiến thức lớp 11 vào và điều chỉnh độ phần hóa. Do đó, đề thi minh họa vẫn rất cần thiết.

Ông Hiếu đề xuất bộ nên công bố thêm ma trận đề thi để các trường nắm được tỷ lệ nội dung kiến thức nằm ở 4 mức ghi nhớ, nhận biết, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao như thế nào.

Học hết phần cơ bản lớp 11, 12

Ông Hiếu cho rằng trong trường hợp bộ không công bố đề minh họa, thí sinh cũng không cần lo lắng quá mức và nhà trường cần chủ động hơn trong quá trình ôn thi cho các em.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) cũng nhận định việc không có đề minh họa sẽ khiến thầy trò gặp khó khăn nhưng đây là khó khăn chung và vận dụng phương châm “cái khó ló cái khôn”.

khong cong bo de thi minh hoa thpt quoc gia khien hoc sinh lo lang
Thí sinh cần nắm được phần kiến thức cơ bản lớp 11, 12 để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo đó, để đảm bảo thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhà trường, thầy cô phải dạy toàn bộ chương trình, bám sát nội dung, dạy đúng, dạy đủ đồng thời có chuyên đề nâng cao. Bản thân thí sinh cũng cần năng động, tích cực học tập, đầu tư nhiều thời gian.

Đây cũng là lời khuyên nhiều nhà giáo đưa ra cho những thí sinh sắp bước vào kỳ thi quan trọng vào năm sau. Nhìn chung, học sinh lớp 12 cần nắm bao quát toàn bộ kiến thức chương trình lớp 11 và 12.

Theo thầy Thịnh Văn Nam, các em nên khai thác sâu kiến thức lớp 11 liên quan lớp 12 (nội dung câu hỏi thường nằm ở phần kiến thức lớp 12 có vận dụng kiến thức lớp 11). Các em cũng nên chú trọng phần lớp 12 hơn vì phần này chiếm tỷ trọng lớn (70%).

Trong khi đó, thầy Ngô Thái Ngọ khuyên thí sinh học hết phần cơ bản, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Thầy nói thêm những câu hỏi khó lấy điểm 9, 10 sẽ tập trung chương trình lớp 12.

Về môn Hóa học, thầy Lê Phạm Thành lưu ý thêm thí sinh nên bám sát chương trình lớp 11, 12 cơ bản đã giảm tải. Nam giáo viên cho biết việc dạy chương trình nâng cao như một số nơi vẫn thực hiện sẽ tăng thêm gánh nặng cho thí sinh trước kỳ thi sắp tới.

“Ngoài ra, các em cần học hết kiến thức, đừng tin tưởng vào những thông tin lan truyền trên mạng như đề thi sẽ vào chương nọ chương kia. Kiến thức đã học có thể xuất hiện trong đề thi, chỉ có tỷ trọng như nào”, thầy Thành nói.

Ông cũng khuyên thí sinh tham khảo ý kiến của thầy cô để có phương pháp học, chiến lược ôn thi hiệu quả.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.