Không để thất thu thuế kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản

Thời gian qua, tình trạng trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) bằng cách ghi giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch thực tế diễn ra khá phổ biến. Ngành Thuế cũng đã “chỉ mặt, đặt tên” thủ đoạn này và tập trung cao đấu tranh, xử lý vi phạm nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước.

Giá trên hợp đồng thấp hơn nhiều giá giao dịch

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi chuyển nhượng BĐS, người bán là cá nhân phải nộp thuế thu nhập mức 2%, người mua nộp lệ phí trước bạ 0,5% giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng công chứng. Doanh nghiệp (DN) khi chuyển nhượng BĐS phải nộp thuế thu nhập bằng 20% thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng. 

 Người dân chuyển nhượng BĐS làm thủ tục nộp thuế tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang.

Thế nhưng, thời gian qua, không ít người mua và người bán BĐS đã thông đồng trốn thuế bằng việc thiết lập hai hợp đồng. Hợp đồng có công chứng với giá kê khai thấp hơn nhiều so với giá giao dịch và hợp đồng do hai bên tự ký ghi đúng giá thực tế phòng trường hợp tranh chấp. Chị Ngô Thị H.A ở huyện Lạng Giang cho biết, hơn một năm qua, hầu hết các lô đất chị môi giới chuyển nhượng khi làm hợp đồng công chứng đều ghi giá thấp hơn giá giao dịch từ 300 -500 triệu đồng nhằm giảm số thuế phải nộp vào ngân sách.

Việc thiết lập hai hợp đồng khi chuyển nhượng một thửa đất để trốn thuế như trên không hiếm. Ông Lương Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam phản ánh, tại các huyện Lục Nam và Lạng Giang đều có tình trạng bán đất giá cao nhưng khi ghi trong hợp đồng để công chứng thì giá thấp hơn rất nhiều. 

Đơn cử như có lô đất tại khu dân cư Lan Mẫu, khách hàng vừa trúng đấu giá 2 tỷ đồng nhưng ngay sau đó làm hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi 500 triệu đồng bằng giá sàn Nhà nước quy định. Để chống thất thu ngân sách, Chi cục Thuế đã đấu tranh, yêu cầu cá nhân chuyển nhượng BĐS kê khai lại mức thuế phải nộp theo giá vừa đấu trúng. Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam đã yêu cầu 145 trường hợp khai lại thuế, tăng thu cho ngân sách gần 1 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do các cá nhân vì lợi ích kinh tế nên đã không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Trong khi đó, việc lập hợp đồng công chứng với giá kê khai thấp hơn giá giao dịch được thực hiện khá dễ dàng. Công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, quyết liệt nên thiếu tính răn đe. Tiếp đó, giá đất trên thị trường chênh lệch lớn so với bảng giá đất của Nhà nước, trong khi thuế chuyển nhượng BĐS lại tính theo giá thị trường... khiến ngành Thuế khó khăn hơn trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trốn thuế.

Siết chặt hoạt động quản lý thuế

Trước thực trạng trên, ngành Thuế đã tăng cường tuyên truyền về các chính sách thuế, đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan công an, chính quyền các địa phương đấu tranh và yêu cầu nhiều cá nhân giao dịch BĐS ghi giá trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế của thửa đất khai bổ sung thuế. Theo Cục Thuế tỉnh, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp trong tỉnh đã xác minh 694 hồ sơ giao dịch BĐS giữa các cá nhân, từ đó tăng thu cho ngân sách gần 5 tỷ đồng, tập trung ở TP Bắc Giang và các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên.

Để quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách, giữa tháng 3 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp trong tỉnh đã xác minh 694 hồ sơ giao dịch BĐS giữa các cá nhân, từ đó tăng thu cho ngân sách gần 5 tỷ đồng.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh cần tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này của người dân, DN; chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực phối hợp UBND huyện, TP siết chặt công tác quản lý thuế. 

Sở Tư pháp yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, DN kê khai trên hợp đồng công chứng theo đúng giá giao dịch để làm căn cứ tính thuế. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện, xử lý các hành vi công chứng “khống”, công chứng “treo” các hợp đồng giao dịch nhằm chống thất thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Đặc biệt, ngày 28/4 vừa qua, Bộ Tài chính có công văn 3849/BTC-TCT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Theo đó, ngành Thuế căn cứ bảng giá đất của UBND tỉnh quy định để tính thuế đối với trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc có ghi giá nhưng thấp hơn giá đất do tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. 

Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá thì tỉnh ban hành bảng giá đất, trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho việc tính thuế. Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường chưa có giá tại bảng giá đất, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất cụ thể cho từng vị trí phù hợp với giá giao dịch thực tế và giá bán của chủ đầu tư. Trường hợp chưa có bảng giá đất, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư công khai giá bán theo quy định.

Ông Lê Bá Ngọc, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tài chính, tới đây, Cục Thuế tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với DN có hoạt động chuyển nhượng BĐS. Đồng thời rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS. Trên cơ sở đó xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Cùng đó, Cục Thuế tỉnh thanh tra hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch, DN kinh doanh BĐS, nhà đầu tư khu dân cư, khu đô thị, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định nhằm chống thất thu thuế.

 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.