Đó là thông tin tại Hội thảo "Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản" do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức tại TP HCM ngày 12/5.
Theo ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, trong năm 2021 tình hình thu ngân sách từ đất đạt hơn 17.500 tỷ đồng, chiếm 6,96% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tình hình thu có sự chậm lại do hoạt động kinh doanh bất động sản bị chững do tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn thành phố có nhiều dấu hiệu khả quan khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố.
Ông Giao cho biết, hoạt động chuyển nhượng bất động sản đang diễn ra sôi động trên cả nước nói chung và TP HCM nói riêng. Song thực tế, có nhiều trường hợp người nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản kê khai giá mua bán với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, chưa tự giác kê khai đúng giá thực tế giao dịch.
Người nộp thuế kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách.
Trong khi đó, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng thừa nhận có tình trạng kê khai giá thấp trong chuyển nhượng bất động sản. Tại TP HCM có khoảng 30.000 trường hợp phải rà soát lại việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những trường hợp chuyển nhượng bất động sản với mức giá thấp hơn giá thị trường vì một số lý do đặc thù. Do đó, ông Châu đề nghị ngành thuế cần "thấu tình đạt lý" trong quá trình thực hiện việc rà soát.
Trước tình trạng thất thu trong chuyển nhượng bất động sản diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế liên tiếp chỉ đạo các cơ quan thuế tăng cường các biện pháp chống thất thu; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Tại TP HCM, Cục Thuế thành phố cũng đã báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các Sở ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Đặc biệt, đơn vị này đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai gây sai lệch số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Theo Cục Thuế TP HCM, trong ba tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã phối hợp đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách. Trong số đó, thuế thu nhập cá nhân là 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ 33 tỷ đồng.
Để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết sẽ tiếp tục có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Đồng thời, sẽ có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý đối với hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Thuế TP HCM đề xuất, ngoài việc cần có các quy định chặt chẽ, thống nhất của các văn bản pháp luật về thuế, về đất đai, kinh doanh bất động sản, về hoạt động công chứng... thì việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan phải được tăng cường.
Thời gian tới, Cục Thuế thành phố sẽ tích cực tham mưu cơ quan cấp trên, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản.