Không đưa 'quy hoạch vùng trời' vào luật

Quốc hội thống nhất không đưa "quy hoạch vùng trời và không gian ngầm dưới lòng đất" vào Luật Quy hoạch.

Sáng 24/11, với 433/455 (hơn 88%) đại biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung "quy hoạch vùng trời", "quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất" vào hệ thống quy hoạch.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Biên giới quốc gia đã khẳng định biên giới quốc gia của nước ta là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó, để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời .

"Các khái niệm quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đều được định nghĩa theo hướng là việc phân vùng và liên kết vùng, chia sẻ sử dụng không gian mang tính chiến lược và thống nhất. Trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và không gian vùng trời của lãnh thổ quốc gia", ông Vũ Hồng Thanh nói.

khong dua quy hoach vung troi vao luat

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Quy hoạch. Quochoi.vn

Đối với vùng trời ở một độ cao nhất định còn chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung thêm "quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất" vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay có ý kiến thống nhất quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng đề nghị làm rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được ban hành và chưa rõ đơn vị nào là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là mô hình mới đã được quy định trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên có chủ trương thành lập. Quy mô, tổ chức của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội thảo luận, xem xét.

"Đây là các nội dung có liên quan trực tiếp đến việc lập quy hoạch của các đơn vị này. Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp này đã dành một chương quy định về quy hoạch của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.