Không nên nới rộng khung giờ làm thêm

Theo các chuyên gia lao động, việc đề xuất tăng giờ làm thêm cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Khung giờ làm thêm phải được tính toán để vừa giải quyết được những khó khăn doanh nghiệp, vừa bảo đảm được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) lấy ý kiến. Hai vấn đề liên quan đến thời gian lao động là nâng tuổi nghỉ hưu và mở rộng khung thời gian làm thêm giờ (400 giờ/năm) đang nhận được rất nhiều ý kiến từ phía người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).

 Tại các buổi hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được đại diện các hiệp hội, ngành nghề tổ chức, khi đề cập đến vấn nới rộng khung giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) lên tối đa 400 giờ/năm, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đều tán thành bởi điều này sẽ vừa giúp DN bảo đảm được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng cao thu nhập cho NLĐ. 

Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng việc mở rộng khung giờ làm thêm cùng với bỏ giới hạn trong tháng bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động (NSDLĐ), tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. 

Không nên nới rộng khung giờ làm thêm - Ảnh 1.

Việc quy định về giờ làm thêm phải chống được sự lạm dụng chính sách, để việc làm thêm đúng với bản chất là nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất

Nhiều DN cũng đề nghị dự thảo nên xét tăng thời gian làm thêm tối đa hằng năm tăng từ 200 giờ lên 300 giờ đối với các ngành nghề bình thường. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm lên đến 400 giờ, 500 giờ.  

Trong một phát biểu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức thấp. Do vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, lập luận này của NSDLĐ không nhận được sự đồng thuận từ tổ chức Công đoàn, đại diện cho NLĐ. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Đầu tiên là chính sách việc làm. 

Hiện số người trong độ tuổi lao động đang rất lớn, nếu cho phép thời gian làm thêm giờ tăng cao, DN có tâm lý không chịu tuyển dụng lao động mới mà ép NLĐ tăng ca tối đa, dẫn đến tình trạng số lao động đang thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. "Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Làm thêm giờ qúa nhiều sẽ dẫn đến hệ lụy như tai nạn lao động rình rập"- ông Quảng, bày tỏ.

Không nên nới rộng khung giờ làm thêm - Ảnh 2.

Làm thêm giờ qúa nhiều sẽ dẫn đến hệ lụy như tai nạn lao động rình rập

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và cộng sự cho rằng mấu chốt vấn đề không phải là việc tìm mọi cách tăng thời gian làm thêm giờ mà các DN, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cải thiện tiền lương tối thiểu sao cho NLĐ có thể sống được. 

"Bộ luật hiện hành quy định rõ nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về giờ làm thêm khá phổ biến. Cho nên, để tăng tính thuyết phục của đề xuất nới rộng khung làm thêm giờ, cơ quan soạn thảo cần tính toán theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định"- ông Đức góp ý.

Theo báo cáo Tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ luật Lao động 2012 của Bộ LĐ-TB-XH, tình trạng DN tổ chức làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến trong các ngành nghề thâm dụng lao động. Qua các khảo sát thực tế, tình hình làm thêm giờ ở những địa phương có nhiều KCX-KCN, có nơi NLĐ làm việc vượt gấp 2-3 lần khung giờ quy định. Thậm chí họ làm việc liên tục từ 10 - 12 giờ/ngày trong thời gian dài.  

Thực tế, quy định làm thêm giờ là tự nguyện. Thế nhưng, NLĐ gần như không có sự lựa chọn nào khác. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) về "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" cho biết, trên 52% công nhân được phỏng vấn không nắm được quy định của luật về thời giờ làm thêm, 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên phải làm thêm giờ.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng việc quy định về giờ làm thêm phải chống được sự lạm dụng chính sách, để việc làm thêm đúng với bản chất là nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất, nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước…

"Việc tăng giờ làm thêm phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ; Áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ. Đồng thời, bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế  kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay"  - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ  Việt Nam, nêu quan điểm.

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Nên giữ nguyên quy định hiện hành

Về thời giờ làm thêm, tôi đề nghị giữ nguyên như hiện tại. Năm 2012 giới chủ, và nhất là các hiệp hội doanh nghiệp rất to tiếng đề nghị tối đa 400g/năm nhưng sau khi nghe ý kiến phân tích của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Quốc hội đã quyết định giờ làm thêm tăng tối đa 200g/năm, một số ngành nghề đặc biệt (do chính phủ qui định) có thể tăng tối đa lên 300g/ năm. Thì nay không giảm thì thôi chứ không lý gì lại tăng thêm?

Về giờ làm thêm tôi đề nghị phải trả tiền theo lũy tiến. Cụ thể Ngày thường: 2 giờ đầu: 150%, 2 giờ tiếp theo: 200%; Ngày nghỉ: 2 giờ đầu: 200% , 2 giờ tiếp theo: 250%; Ngày lễ Tết: 2 giờ đầu: 300% , 2 giờ tiếp theo : 350%.

chọn
[Photostory] Ngắm đại lộ đắt nhất Nghệ An
Đại lộ Vinh - Cửa Lò được UBND tỉnh Nghệ An được khởi công năm 2011 với tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng (lớn nhất Nghệ An). Giai đoạn 1 dự án đã thông tuyến vào năm 2021. Từ tháng 7/2022 đến nay, giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.