Mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Hùng, làm hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là những dự án quan trọng mà TP HCM đang có kế hoạch triển khai. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến cửa ngõ phía nam ra vào trung tâm TP vốn đang ngày càng quá tải.
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) có chiều dài gần 3 km, giữ vai trò hết sức quan trọng khi kết nối khu trung tâm TP HCM với các quận, huyện phía nam TP và nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Vì vậy, con đường này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Ghi nhận của PV tuần qua, dọc theo trục đường Nguyễn Tất Thành và những tuyến đường xung quanh như Tôn Đản - Hoàng Diệu - cầu Tân Thuận 2 (quận 4)… thường xuyên bị ùn ứ cục bộ vào các giờ cao điểm. Nhất là ở các nút giao có hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Bạn Nguyễn Kim Lợi, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết ngày thường đường này kẹt kinh điển, sáng kẹt hướng quận 7 về quận 4, chiều thì kẹt theo hướng ngược lại. “Tại những giao lộ, thay vì phương tiện sẽ được chuyển hướng thì vào giờ cao điểm, CSGT thường kéo dải phân cách chặn hướng quẹo. Lúc này đường Nguyễn Tất Thành chỉ đi thẳng mới có thể bớt kẹt hơn” - bạn Lợi nói.
Tương tự, tại nút giao đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (quận 7), ngày thường là một điểm đen ùn tắc do từng hàng dài ô tô trên cầu Kênh Tẻ đổ dồn xuống. Đồng thời, cộng hưởng với dòng người và xe đi từ hướng đường Nguyễn Hữu Thọ rẽ về Nguyễn Thị Thập khiến giao thông khu vực thường xuyên rơi vào bế tắc.
Chị Dương Thị Như Ý (ngụ đường Nguyễn Hữu Thọ) cho hay mỗi lần tắc đường, nếu ô tô dàn hàng ngang thì xe máy không còn chỗ đi, phải leo cả lên vỉa hè. Mỗi khi có ô tô quay đầu, sang đường hoặc ra vào đường này là tắc ngay.
Còn đường Phạm Hùng, tuyến nối liên quận (từ quận 5 sang quận 8, huyện Bình Chánh, ra đại lộ Nguyễn Văn Linh) có lưu lượng xe di chuyển đông nhất, chủ yếu từ bên kia cầu Chánh Hưng đổ dồn vào. Cảnh kẹt xe hàng dài trên cầu Chánh Hưng nối quận 5 và quận 8 cũng diễn ra hằng ngày tại khu vực này khiến người dân vô cùng ngán ngẩm.
Đường Phạm Hùng, một trong những con đường hay kẹt xe bậc nhất khu Nam TP HCM. (Ảnh: T.TRINH)
“Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở GTVT đề xuất mở rộng đường Nguyễn Tất Thành. Sở cũng đã có văn bản phúc đáp đồng ý phương án này của quận. Việc mở đường là cần thiết nhưng cần làm từng giai đoạn vì liên quan đến nhiều đơn vị trên tuyến. Do đó, về thời điểm làm chúng tôi chưa thể nói trước được”. Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết như trên.
Theo kế hoạch, đường Nguyễn Tất Thành hiện nay rộng gần 20 m sẽ được điều chỉnh lộ giới rộng lên thành 37 m. Về việc giải tỏa để phục vụ việc mở rộng, hiện nay khu đất phía bờ sông Sài Gòn từ cầu Tân Thuận đến đường Trương Đình Hợi đã có mặt bằng. Đoạn từ cầu Khánh Hội đến đường Hoàng Diệu và khu cảng Sài Gòn cũng đã di dời xong. Đoạn ở giữa (dài 490 m) còn vướng hộ dân khúc từ đường Hoàng Diệu đến đường Ngô Văn Sở.
Về vấn đề “giải cứu” đường Nguyễn Hữu Thọ, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết dự kiến cuối năm sẽ khởi công dự án xây dựng nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 830 tỉ đồng.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng cho biết sẽ mở rộng đường Trường Chinh (quận Tân Bình), tuyến cửa ngõ tây nam TP lên 60 m với 10-12 làn xe.
Theo đó, đoạn đường Trường Chinh được mở rộng tính từ nút giao mũi tàu đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ dài 904 m. Tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng, trong đó bồi thường giải tỏa đoạn này lên đến con số gần 2.000 tỉ đồng.
Hầm HC1 sẽ có phần hầm kín dài 60 m; phần cầu chìm dài 36 m (xử lý giao cắt với tuyến metro số 4 theo quy hoạch); phần hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài 200 m, phía quốc lộ 1 dài 184 m. Hầm HC2 với phần hầm kín dài 64 m; phần cầu chìm dài 36 m (xử lý giao cắt với tuyến metro số 4 theo quy hoạch); phần hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài 200 m, phía quốc lộ 1 dài 180 m.
Cụ thể, dự án sẽ xây dựng mới hai hầm chui (hầm HC1 và HC2) trên đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 480 m, mặt cắt ngang đảm bảo ba làn xe.
Dự án sẽ cải tạo khu vực dải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Hữu Thọ để bố trí các làn chờ, làn rẽ trái, quay đầu xe, tăng năng lực thông hành của nút giao. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, tổ chức giao thông và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác hoàn chỉnh theo cấp công trình.
Về dự án mở rộng đường Phạm Hùng, các cơ quan chức năng đang rà soát các vấn đề về dự án nhưng cơ bản sẽ mở rộng đường quan trọng này thêm trong khoảng 1-2 m nữa.
Quan trọng nhất là bài toán quy hoạch
Nói về câu chuyện làm các dự án giải quyết bài toán giao thông ở các tuyến huyết mạch cửa ngõ trung tâm TP, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, cho rằng quan trọng nhất vẫn là bài toán quy hoạch.
"Cho làm ồ ạt chung cư, rồi phân bổ dân cư không đều như khu Nam TP. Bên cạnh đó lại tập trung hàng loạt dự án, rồi khu Phú Mỹ Hưng dồn dân… Nếu chúng ta tiếp tục phát triển về phía quận 7, huyện Nhà Bè… thì hạ tầng sẽ phát triển không theo kịp là đương nhiên. Cái cần là quy hoạch phải phù hợp với hạ tầng hoặc hạ tầng phải theo kịp quy hoạch" - ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, làm dự án như mở rộng đường là cần thiết nhưng không giải quyết căn cơ bài toán giao thông vì chúng ta không thể mở rộng đường mãi được. Mở rộng đường phải tính đến phương án tổng thể của cả vùng, cả khu vực hoặc của cả TP, cũng như các tỉnh, thành lân cận khác.