Khu kinh tế Nghi Sơn có 122 dự án chưa được cấp đất

Trên địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có 700 dự án đầu tư, trong đó có 188 dự án đầu tư thứ cấp thuê đất trực tiếp với nhà đầu tư hạ tầng và 512 dự án đầu tư kinh doanh đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất.

 Khu kinh tế Nghi Sơn hiện nay. (Ảnh: Báo Tin tức).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/9, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp tại địa bàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN).

Theo báo cáo của Ban quản lý KKTNS&CKCN, hiện nay trên địa bàn KKTNS&CKCN có 700 dự án đầu tư, trong đó có 188 dự án đầu tư thứ cấp thuê đất trực tiếp với nhà đầu tư hạ tầng và 512 dự án đầu tư kinh doanh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất.

Trong 512 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, có 122 dự án chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, với diện tích 2.171 ha; 390 dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, với diện tích đã giao 3.856 ha.

Trong số 122 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, có 48 dự án đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ, thủ tục thuê đất, với diện tích hơn 921 ha.

69 dự án đã hết hạn hoàn thành hồ sơ, thủ tục thuê đất, với diện tích 1.241 ha; 5 dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư đã có văn bản xin chấm dứt dự án với diện tích 8,4 ha.

Đối với 390 dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, có 298 dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành, khai thác, với diện tích 2.921 ha; 39 dự án đang trong tiến độ thực hiện, với diện tích 853,3 ha; 53 dự án chậm tiến độ thực hiện, với diện tích gần 76 ha.

Nguyên nhân của các dự án chưa được giao đất, chưa được cho thuê đất là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chưa thống nhất về cơ chế, chính sách GPMB; các ngành, các cấp đang còn lúng túng trong việc hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện quy trình bồi thường, GPMB đối với các dự án tại các phân khu chức năng trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

Đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất bị chậm tiến độ thi công chủ yếu do một số dự án, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các hạng mục chính của dự án.

Tuy nhiên, còn một số hạng mục công trình phụ trợ, chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thành theo tổng mặt bằng quy hoạch đã được phê duyệt. Do vậy, dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật đất đai. Các dự án này chủ yếu là các dự án đầu tư về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch.

Đối với các dự án đề xuất được đầu tư trực tiếp vào các khu công nghiệp, nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng tại KKTNS.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ban Quản lý KKTNS&CKCN nghiên cứu các góp ý của tổ công tác để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, làm rõ hơn nguyên nhân khiến 122 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất và đề xuất hướng xử lý cụ thể. Trong đó, nêu rõ dự án nào sẽ tiến hành thủ tục thu hồi để kêu gọi các nhà đầu tư khác.

Với 390 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, lãnh đạo yêu cầu làm rõ 53 dự án chậm tiến độ này đang vi phạm mức độ nào và các kiến nghị của chủ đầu tư. Báo cáo hoàn chỉnh yêu cầu gửi về tổ công tác trước ngày 25/9. 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.