Thanh Hóa dừng 9 dự án do các chủ đầu tư không còn 'mặn mà'

Đây là những dự án đã được các ngành, các địa phương tạo điều kiện gia hạn nhiều lần nhưng các chủ đầu tư không còn mặn mà, thậm chí có ý kiến được chấm dứt đầu tư.

Cụ thể là hai dự án tại khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và 7 dự án tại các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Trường Mầm non Quốc tế Clever Kids của Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và Xây dựng Hà Nội (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa); xưởng sản xuất, chế biến đá làm vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng (thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định); khu Trang trại tổng hợp công nghệ cao Quảng Lợi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quảng Lợi (xã Xuân Thiên và Thọ Minh) và Nhà máy Sản xuất bản ghế của Công ty TNHH Tadlack Production (xã Thọ Hải, Thọ Xuân); đầu tư mở rộng bãi tập kết vật liệu xây dựng Vĩnh Yên của Công ty CP Thương mại Đức Lộc (xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc); dịch vụ ẩm thực Hoa Linh của Công ty CP Ứng dụng Công nghệ Hoa Linh (xã Quảng Trung, Quảng Xương); trạm thu mua, phân loại lâm sản của Công ty TNHH Chế biến Lâm sản Thành Lộc (xã Mường Chanh, Mường Lát), thông tin từ báo Thanh Hóa.

Đây là quyết định kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi tại hội nghị nghe báo cáo kết quả rà soát, thẩm định phương án xử lý các dự án trên địa bàn tỉnh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, đã hết hiệu lực pháp lý của chủ trương đầu tư và chậm tiến độ ngày 27/7. 

Thanh Hóa cho dừng 9 dự án do các chủ đầu tư không còn 'mặn mà' - Ảnh 1.

Khu kinh tế Nghi Sơn. (Ảnh: Công Luận).

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên địa bàn các địa phương (không tính tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa) hiện có 55 dự án đã hết hiệu lực pháp lý của chủ trương đầu tư, cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có hướng giải quyết.

Trong đó, có 25 dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh gia hạn lần cuối theo Công văn 10814, ngày 10/8/2020 và các công văn có nội dung liên quan.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh cũng tổng hợp 46 dự án trong diện cần phải xem xét, đề xuất dừng 4 dự án chậm nhiều năm nhưng chủ đầu tư không hợp tác.

Trên thực tế, có nhiều dự án được chấp thuận đầu tư nhiều năm nhưng không thực hiện; có trường hợp chủ đầu tư cố tình “ôm đất”, gây bức xúc cho người dân địa phương, cản trở sự phát triển chung, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư những dự án khác.

Vì vậy, kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan phải hoàn thành thủ tục và có văn bản báo cáo UBND tỉnh về nguyên nhân cũng như đề xuất dừng các dự án trước ngày 30/7.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, rà soát thêm các dự án không triển khai hoặc chậm nhiều năm theo đề nghị của đại diện UBND TP Thanh Hóa để có hướng giải quyết, chấm dứt những dự án quá lâu hoặc tháo gỡ khó khăn liên quan để gia hạn thêm, yêu cầu chủ đầu tư vào cuộc triển khai.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.