Lập ban kiểm soát vì không tin BQT
Trong khi Bộ Xây dựng đang trình xin ý kiến về dự thảo Quản lý và sử dụng chung cư, việc quản lý, vận hành chung cư đang rối như canh hẹ, vì mâu thuẫn triền miên trong vận hành, quản lý chung cư. Nhiều nơi, cư dân, chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến mâu thuẫn kéo dài, lợi ích cư dân bị bỏ ngỏ. Không ít khu chung cư, cư dân phải tự mày mò tìm mô hình quản lý mới để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mới đây, cư dân tòa nhà Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bầu ban kiểm soát của tòa nhà. Ban kiểm soát hoạt động song song với BQT vốn đã đi vào hoạt động được một thời gian. Chị Thu Loan, cư dân tòa nhà chia sẻ: “Do lo việc thu chi từ phí bảo trì đến tiền nước tại tòa nhà nhập nhèm nên nhiều cư dân đứng ra kêu gọi mọi người trong tòa nhà lập ban kiểm soát. Ban kiểm soát ra đời để bảo vệ quyền lợi của người dân, không để xảy ra tình trạng lộng hành của BQT như ở nhiều khu chung cư khác. Đặc biệt, ban kiểm soát hoạt động không lấy nguồn kinh phí của cư dân nên rất được ủng hộ”.
Ở nhiều nhà chung cư tại Hà Nội, ban kiểm soát đã được lập ra, hoạt động bên cạnh BQT. Nguyên nhân khiến dân ở chung cư lập ban kiểm soát là do BQT không làm đúng vai trò của mình, có hiện tượng trục lợi phí bảo trì và nhiều khoản phí hoạt động khác…
Các chung cư đã thành lập ban kiểm soát như: Khu chung cư Hoàng Anh Gold House (HAGH) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM; Chung cư TSQ Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội… Ở một số chung cư, ban kiểm soát được hình thành dưới các tên gọi khác nhau: Tổ kiểm tra, tổ giám sát. Có nơi cư dân còn gắn cho cái tên “Ban quản trị mở rộng”… Mục đích của các tổ chức này là như nhau. Thực tế, dù đã được cư dân tự lập ra nhưng hội nghị nhà chung cư chính thức chưa thông qua.
Một đại diện của ban kiểm soát chung cư TSQ (Mỗ Lao, Hà Đông) cho biết, thực chất việc thành lập ban kiểm soát chung cư có mục tiêu hỗ trợ thiết lập công cụ quản lý đối với tất cả các hoạt động cá nhân, tập thể BQT. Sau bước này, ban kiểm soát tiến hành các thủ tục kiểm soát nội bộ, căn cứ đánh giá tính tuân thủ, trung thực, đúng đắn trong công tác quản lý điều hành các hoạt động của BQT.
Luật không quy định nhưng không cấm
Luật sư Bùi Sinh Quyền (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, các thông tư do Bộ Xây dựng ban hành hiện không có quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động của ban kiểm soát nhà chung cư. Do đó, mô hình ban kiểm soát hoạt động bên cạnh ban quản trị nhà chung cư không được pháp luật công nhận.
“Tuy nhiên, trên thực tế, để giải quyết xung đột giữa cư dân với BQT và chủ đầu tư, cư dân chung cư vẫn bầu ra ban kiểm soát. Mục đích là để rà soát, uốn nắn, chấn chỉnh, tham gia ý kiến đối với BQT trong quá trình điều hành. Do pháp luật không cấm nên việc thành lập ban kiểm soát, cư dân chung cư tự quyết định, để đảm bảo việc quản lý, hoạt động tại chung cư hiệu quả hơn”, luật sư Quyền nói.
Ngoài ra, theo ông Quyền, căn cứ điều 104 Luật Nhà ở 2014 và điều 41 Thông tư 02/2016/TT-BXD, BQT nhà chung cư có quyền: “Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và quyết định của hội nghị nhà chung cư; báo cáo hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này”. Do cư dân chung cư quyết định thành lập nên việc chi trả thù lao cho ban kiểm soát do cư dân chung cư quyết định thông qua hội nghị nhà chung cư. BQT có thể chi trả thù lao cho thành viên ban kiểm soát trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư.
Tuy nhiên, việc thành lập ban kiểm soát cũng nhận được ý kiến trái chiều từ chính các BQT của tòa nhà. Một thành viên BQT tòa Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc thành lập ban kiểm soát là không cần thiết, do chung cư đã có BQT, quy định về BQT ngày càng chặt chẽ hơn… Thành lập ban kiểm soát có thể gây chồng chéo, cản trở hoạt động của BQT, ảnh hưởng đến quản lý vận hành chung cư…
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc thành lập ban kiểm soát tòa chung cư hiện nay do dân tự thành lập, không có quyền hạn chức năng như BQT nhưng giúp ích được nhiều cho cư dân trong quá trình kiểm soát hoạt động của BQT.