Kịch bản nào cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nửa đầu năm 2021?

Theo Savills, nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê bất động sản công nghiệp có thể sẽ tăng lên. Hoạt động bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng được mở rộng hoặc dịch chuyển địa điểm sản xuất.
Kịch bản nào cho bất động sản công nghiệp nửa đầu năm 2021? - Ảnh 1.

Tỉ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp trên toàn quốc đạt 76% trong 9 tháng đầu năm 2020. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Theo báo cáo của Savills, mặc dù việc hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng được mở rộng hoặc dịch chuyển địa điểm sản xuất. 

Nguồn cầu bất động sản công nghiệp tăng mạnh, xuất hiện các thương vụ M&A hàng triệu USD 

9 tháng đầu năm, tỉ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp trên toàn quốc đạt 76%, cho thấy nhu cầu lớn về phân khúc này ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm.

Trong đó, tỉ lệ lấp đầy tại các trung tâm công nghiệp chính như Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở miền Nam và Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng ở miền Bắc, đã tăng đáng kể kể từ năm 2018.

Mặt khác, ngành bất động sản công nghiệp đã chứng kiến một số thương vụ M&A quan trọng trong ba quí đầu năm nay.

Đầu tiên phải kể đến là sự kiện tập đoàn Logos Property của Úc đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam. 

Một cái tên khác là GPL, doanh nghiệp hàng đầu về kho bãi ở Châu Á cũng đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỉ USD tại Việt Nam. 

Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh.

Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. 

Trong quí III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan).

"Các nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần niềm tin tưởng về tiềm năng lâu dài tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra", ông John Campbell, Quản lí bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định.

"2021 sẽ là năm bận rộn và hiệu quả của bất động sản công nghiệp"

Kịch bản nào cho bất động sản công nghiệp nửa đầu năm 2021? - Ảnh 2.

Ông John Campbell, Quản lí bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam. (Ảnh: Savills).

Theo ông John Campbell, Quản lí bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam, hầu hết các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ 2019, trong khi nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở Việt Nam và muốn mở rộng sản xuất. 

Nguyên nhân là do các hạn chế đi lại đã trì hoãn việc khảo sát địa điểm của các nhà đầu tư quốc tế, làm giảm số lượng hợp đồng thuê đã thực hiện với các nhà đầu tư địa phương.

Các chuyên gia Savills dự báo, trong quí IV/2020, các chủ đầu tư và người thuê sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, thỏa thuận để chốt được mức giá có lợi nhất trong bối cảnh đại dịch. 

Bên cạnh đó, nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên.

"Sự phụ thuộc của phân khúc công nghiệp tại Việt Nam vào các chuỗi cung ứng di cư ra khỏi Trung Quốc đã được thể hiện khá rõ ràng. Nhiều chủ đầu tư nhận định năm 2021 sẽ là một năm bận rộn và hiệu quả sau khi những hạn chế này được gỡ bỏ", ông John nhận định.

Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, mang đến cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn, đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.

Tại Đồng Nai, địa phương này dự kiến qui hoạch thêm 8 khu công nghiệp (KCN), trong đó 4 dự án đã được công bố kế hoạch xây dựng. Xã Phước Bình sẽ có thêm hai KCN với qui mô lần lượt 900 ha và 500 ha. Các xã Tân Hiệp và Bình An cũng sẽ có thêm một KCN.

Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản công nghiệp phân hoá

Trong quí III/2020, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản công nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

Đơn cử như CTCP Long Hậu (Mã: LHG) doanh thu thuần trong quí đạt hơn 72 tỉ đồng, tăng 46% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kì.

CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, Mã: HPI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quí với doanh thu thuần đạt hơn 167 tỉ đồng, gấp 4 lần cùng kì. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 115 tỉ đồng, cao gấp 24 lần cùng kì.

Hay như CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa (Mã: TID), lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận lãi ròng đạt hơn 72 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kì năm 2019.

Ngược lại, thị trường cũng cho thấy một số doanh nghiệp đã không còn giữ được đà tăng trưởng khi quĩ đất sạch sẵn sàng cho thuê đã cạn.

Điển hình như Công ty Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC), doanh thu trong quí III ghi nhận giảm mạnh 49% so với cùng kì còn 88,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 37 tỉ đồng, giảm 44% so với cùng kì đạt 65,7 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D), doanh thu thuần quí III đạt hơn 63 tỉ đồng, giảm 77% và lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỉ đồng, giảm 78% so với cùng kì.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.