Báo Kiên Giang dẫn thông tin từ Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang Đặng Vũ Bằng cho biết, ngày 24/2, lãnh đạo tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang, tổng chiếu dài toàn tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá khoảng 87 km, đi qua địa bàn TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương. Diện tích sử dụng đất khoảng 634 ha, số hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất khoảng 3.064 hộ.
Tuyến đường có điểm đầu giao với quốc lộ 80 (nút giao Thuận Yên). Điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tới đường Bạc Liêu xem xét xây dựng ở giai đoạn sau.
Đây là dự án nhóm A, nền đường rộng 24,75 m. Trong đó, 4 làn xe cao tốc rộng khoảng 15 m; hai dải dừng xe khẩn cấp; lề đường hai bên; dải an toàn 1,5 m; dải phân cách giữa 0,75 m. Mặt cắt ngang cầu 24,75 m. Dự kiến có 7 nút giao với đường ngang, phương án nút hình kim cương, cầu vượt chính tuyến,...
Đường giao thông song hành, quy mô đường giao thông nông thôn loại B. Tổng mức đầu tư của dự án 25.643 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương; trong đó giải phóng mặt bằng 1.800 tỷ đồng, chi phí xây dựng 17.450 tỷ đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, việc đề xuất cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá nhằm thực hiện theo quy hoạch, kết nối tuyến giao thông, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, việc đề xuất dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá nhằm thực hiện Nghị quyết ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị, khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.