Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến

Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc cũng phải thừa nhận rất khó duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "đau nhức khắp người".

Theo Wall Street Journal, gần như toàn bộ mọi phương diện của nền kinh tế Trung Quốc đều hạ nhiệt trong tháng 8, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ sụt giảm, cho thấy nhu cầu và niềm tin tiêu dùng suy yếu.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết sản lượng công nghệ giá trị gia tăng của nước này chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với cùng kì năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự đoán 5,2% của giới chuyên gia kinh tế quốc tế và mức tăng 4,8% của tháng 7.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến - Ảnh 1.

Tăng trưởng Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua theo số liệu chính thức, tuy nhiên giới chuyên gia và đầu tư quốc tế khẳng định bức tranh thực tế ảm đạm hơn nhiều. (Nguồn: Tổng cục Thống kê Trung Quốc).

Trong khi đó, doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 7,5% so với cùng kì năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 7,6% của tháng 7 và thấp hơn hẳn kì vọng 7,9% của các nhà kinh tế.

"Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn. Đó là nhu cầu yếu ớt khiến lợi nhuận của các công ty sụt giảm, dẫn tới tình trạng giảm đầu tư và tăng trưởng yếu", WSJ dẫn lời nhà kinh tế Li Wei của Standard Chartered Bank nhận định.

GDP thực tế có thể chỉ đạt hơn 3%

Trên thực tế, WSJ khẳng định từ vài tháng trước, hệ thống vệ tinh giám sát các trung tâm công nghiệp Trung Quốc phát hiện nhiều bộ phận của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thu hẹp quy mô bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố tăng trưởng quý II/2019 vẫn đạt 6,2%.

Các nhà kinh tế, công ty và giới đầu tư toàn cầu nhận định bức tranh thực sự của nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm hơn rất nhiều so với những con số chính thức mà chính quyền Bắc Kinh công bố.

Họ nhận định nền kinh tế Trung Quốc chưa suy thoái hoàn toàn nhưng yếu ớt hơn nhiều so với những gì Bắc Kinh thừa nhận. Một số chuyên gia kinh tế phân tích tăng trưởng Trung Quốc dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp, thuế, vận tải đường sắt, doanh số bất động sản... và kết luận GDP nước này có thể chỉ đạt hơn 3%.

Nền kinh tế Trung Quốc - với GDP 13.000 tỉ USD - vẫn đang tăng trưởng, nhưng hiện tượng giảm tốc đang xảy ra ở những lĩnh vực quan trọng như sản xuất.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến - Ảnh 2.

Trung Quốc thừa nhận việc duy trì tăng trưởng kinh tế trên 6% là mục tiêu khó khăn. (Ảnh: Getty).

"Sản xuất dính đòn nặng. Đầu tư giảm mạnh, đơn hàng mới không còn, tuyển dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", WSJ dẫn lời ông Leland Miller, Giám đốc điều hành China Beige Book, nhận định.

Hôm 6/9, chính quyền Trung Quốc quyết định bơm 126 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng để kích thích kinh tế trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại để thúc đẩy dòng vốn đổ vào các dự án hạ tầng.

Chuyên gia Eric Pratt của AVX Corp (công ty Mỹ sản xuất linh kiện điện tử, có hai nhà máy ở Mỹ) nhận định: "Phần lớn dữ liệu cho thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn". Ông cho biết trong năm qua, AVX Corp buộc phải cắt giảm nhân sự và giảm sản xuất ở Trung Quốc.

"Tô hồng" số liệu

Kể từ khi cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, giới quan sát nghi ngờ chính quyền Trung Quốc "tô hồng" các số liệu kinh tế để vẽ ra một bức tranh hào nhoáng về nền kinh tế vẫn khỏe mạnh, bất chấp những cú đòn thuế liên tiếp của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một nguyên nhân, theo WSJ, là các nhà đàm phán Mỹ luôn "rình rập" tìm kiếm bất kì dấu hiệu suy thoái nào của nền kinh tế Trung Quốc để gây sức ép lên Bắc Kinh. Trên thực tế, thời gian qua chính quyền Trung Quốc hạn chế hết mức việc công khai các số liệu kinh tế bất lợi.

Hồi tháng 12/2018, chính quyền tỉnh Quảng Đông ngừng công khai một chỉ số sản xuất do liên tục sụt giảm trong nhiều tháng. Tổng cục Thống kê Trung Quốc tuyên bố chính quyền địa phương không được phép công bố con số này.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến - Ảnh 3.

Chính quyền Trung Quốc không công khai các số liệu bất lợi về nền kinh tế. (Ảnh: Reuters).

Không dễ để các doanh nghiệp và nhà đầu tư đó "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc bởi các chỉ số như tăng trưởng GDP và tỉ lệ thất nghiệp hầu như không thay đổi. Điều đó cho thấy chúng được "quản lí" quá chặt chẽ nên không phản ánh hiện thực.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc dao động từ 3,5% đến 4,5% trong 15 năm qua. Các nhà kinh tế cho rằng con số này không đáng tin cậy. Hai năm trước, chính quyền Bắc Kinh công bố tỉ lệ thất nghiệp ở các khu vực đô thị là 5,3%. Tuy nhiên con số này đến nay cũng không dao động đáng kể.

Nhìn chung, bản thân số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng chỉ ra một số dấu hiệu giảm tốc kinh tế, tuy nhiên vẫn bị "tô hồng" đáng kể.

Doanh nghiệp vật vã mò thông tin

Tập đoàn may mặc Mỹ Brooks Brothers Group Inc. đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, nhưng phát hiện những dấu hiệu cho thấy doanh thu của các trung tâm mua sắm và số lượng du khách sụt giảm, do đó quyết định thu hẹp đầu tư. 

Hãng nghiên cứu Capital Economics (London) đo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thông qua diện tích sàn bất động sản đang được xây dựng, sản lượng điện, vận tải hàng hóa và hành khách, khối lượng hàng hóa ở các cảng biển...

"Vấn đề không phải là thiếu số liệu mà là chất lượng của số liệu", chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard nhận định.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến - Ảnh 4.

Hoạt động tại các nhà máy tại Trung Quốc chững lại đáng kể. (Ảnh: Reuters).

Chỉ số của Capital Economics - được gọi là China Activity Proxy - cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn con số chính thức trong 7 năm qua. Theo hãng này, tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ đạt khoảng 5,7%, một phần nhờ hoạt động xây dựng sôi động.

Tuy nhiên, sản xuất điện sụt giảm và tăng trưởng tín dụng yếu. Hồi tháng 7, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp hàng năm là 4,8%, thấp nhất trong vòng 17 năm qua. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia đã phát hiện dấu hiệu này từ rất sớm.

Eaton Corp, nhà sản xuất linh kiện điện và hệ thống điện toàn cầu, có doanh số 2 tỉ USD tại Trung Quốc. Năm ngoái, công ty phát hiện tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc chỉ đạt vỏn vẹn 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5% được chính quyền Bắc Kinh đưa ra.

Nửa đầu năm 2019, chỉ số này giảm còn 2,5%, theo Eaton Corp.

Không nhiều sự lạc quan

Cuối năm 2018, vài tháng trước khi Trung Quốc thừa nhận chỉ số quản lí thu mua sụt giảm, Công ty nghiên cứu Mỹ SpaceKnow đã phát hiện hoạt động công nghiệp của nước này chững lại.

SpaceKnow theo dõi 6.000 địa điểm sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc và phân tích dữ liệu thông qua mức độ tiêu thụ điện năng của các nhà máy. "Hàng loạt nhà máy đột nhiên im ắng, những dự án xây dựng khổng lồ bị hoãn lại", Giám đốc điều hành SpaceKnow Jeremy Fand mô tả.

Hãng PanAgora Asset Management theo dõi chỉ số Index Spring Festival của cỗ máy tìm kiếm Baidu. Chỉ số này phản ánh số người sử dụng Baidu để tìm thông tin về các chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán. Trong thời gian đó, hàng triệu công nhân Trung Quốc di chuyển từ các thành phố lớn về vùng nông thôn để nghỉ Tết.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến - Ảnh 5.

Hoạt động sản xuất ngưng trệ khiến nhiều công nhân Trung Quốc không trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Reuters).

Tết Nguyên đán năm 2019 diễn ra vào đầu tháng 2 và số người tìm thông tin về các chuyến đi giảm 12% so với năm trước. Điều đó cho thấy hoạt động kinh tế giảm sút. 

"Khi các nhà máy hoạt động ít hơn, nhiều công nhân về nhà và không quay lại", chuyên gia George Mussalli của PanAgora giải thích.

Ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc, chiếm khoảng 10% GDP, suy giảm từ cuối năm 2018. Hiệp hội Doanh nghiệp Sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết trong bảy tháng đầu năm 2019, doanh số sụt 12,8%. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh lại đưa ra dự báo mức giảm cả năm chỉ 5,4%.

Các nhà phân tích tại Bank of America Merrill Lynch không lạc quan như vậy. Họ đánh giá mức giảm doanh số xe hơi ở Trung Quốc trong cả năm 2019 sẽ vào khoảng 12%. 

"Chúng tôi không sử dụng các con số chính phủ Trung Quốc công bố vì họ chỉ muốn bảo vệ ngành công nghiệp ôtô", WSJ dẫn lời chuyên gia Pratt của AVX cho biết.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.