Làm phiếu lý lịch tư pháp ở đâu, hồ sơ cần những gì?

Có hai cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

Tôi muốn làm giấy lý lịch tư pháp nhưng không làm ở nơi tôi ở có được không? Và làm thì cần mang theo những hồ sơ gì?

Duc Dang

phieu ly lich tu phap lam o dau ho so can nhung gi
Ảnh minh họa.

Khi nào cần dùng Phiếu lý lịch tư pháp?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Như vậy, Phiếu lý lịch tư pháp được dùng khi:

- Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không

- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.

- Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

Luật này quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức dưới đây có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình;

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp có mấy loại?

Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:

a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 7 của luật này;

b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 điều 7 của luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Sự khác biệt cơ bản của 2 phiếu này là ở chỗ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa án. Nếu án đã được xóa thì ghi “không có án tích”. Phiếu số 2 ghi tất cả án tích mà không phân biệt đã được xóa hay chưa.

Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nào cấp?

Có hai cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

- Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các trường hợp sau:

+ Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

+ Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp các trường hợp sau:

+ Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

+ Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

Hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc số 2

Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu.

Cá nhân yêu cầu cấp phiếu số 2 qua bưu điện và trực tuyến thì tờ khai phải được chứng thực chữ ký tại tổ chức hành nghề công chứng; UBND cấp phường, xã, thị trấn; phòng tư pháp cấp quận, huyện hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Bản sao có chứng thực hoặc bản phôtô kèm bản chính để đối chiếu giấy CMND hoặc hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Bản sao có chứng thực hoặc bản phôtô kèm bản chính để đối chiếu sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú, giấy chứng nhận tạm trú, thẻ thường trú, thẻ tạm trú. Riêng giấy chứng nhận thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú có thể nộp bản chính.

Nếu ủy quyền cho người khác

Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu).

Bản sao có chứng thực hoặc bản phôtô kèm bản chính để đối chiếu giấy CMND hoặc hộ chiếu đang còn giá trị sử dụng của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp và CMND hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền.

Bản sao có chứng thực hoặc bản phôtô kèm bản chính để đối chiếu sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú, giấy chứng nhận tạm trú, thẻ thường trú, thẻ tạm trú của người được cấp phiếu. Riêng giấy chứng nhận thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú có thể nộp bản chính.

Văn bản ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp phải được chứng thực tại UBND phường, xã, thị trấn hoặc phòng tư pháp quận, huyện hoặc công chứng, chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Trường hợp ủy quyền theo quy định của pháp luật nước - nơi người nước ngoài là công dân hoặc thường trú thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt.

Trừ trường hợp được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu này thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu.

Lưu ý, cá nhân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác (trừ cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp cho con chưa thành niên).

Thời hạn giải quyết hồ sơ trong 10 ngày làm việc (kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ). Nếu có xác minh nhiều nơi thì hạn này không quá 15 ngày.

Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp (được cấp hai phiếu) là 200.000 đồng/lần/người. Đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thì lệ phí là 100.000 đồng/lần/người.

Thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp

Hiện nay Luật Lý lịch tư pháp 2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản khác.

phieu ly lich tu phap lam o dau ho so can nhung gi Phiếu lý lịch tư pháp dùng vào việc gì?

Sự khác biệt cơ bản của 2 phiếu này là ở chỗ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được ...

phieu ly lich tu phap lam o dau ho so can nhung gi Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

Phiếu lý lịch tư pháp gồm có hai loại là: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Tương ...

phieu ly lich tu phap lam o dau ho so can nhung gi Thủ tục và mức phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Các đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người cư trú tại các xã đặc biệt khó ...

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi của độc giả. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do độc giả cung cấp.

Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com

chọn
Hình hài tuyến Vành đai 3 TP HCM đang xây dựng qua Thủ Đức
Tuyến vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức dài khoảng 15 km, đi qua các phường bao gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Gói thầu xây dựng tuyến Vành đai 3 qua TP Thủ Đức là gói thầu thứ 3 của dự án vành đai 3 TP HCM.