Ảnh minh hoa. (Nguồn: TTXVN)
Liên quan đến thông tin thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ tại Thông tư 33 Thông tư số 33/2017, có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai chuẩn bị nội dung để trả lời các cơ quan thông tấn báo chí. Hiện tại, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị trực thuộc đang tập trung chuẩn bị các nội dung để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đây, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tại khoản c, điều 5 về thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận quy định là: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ ông” (hoặc “hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó. Còn tại Thông tư 33 quy định: “Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Sau đó ghi thêm “cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).” Như vậy, với quy định này đồng nghĩa với việc đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về đất đai, việc thêm tên các thành viên vào gia đình là không cần thiết vì các thành viên còn lại của gia đình là con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản. Việc thêm tên các con vào sổ đỏ đồng nghĩa với việc phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó. Ngoài ra, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ làm khó khăn trong việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp..