Hiện trường bãi tập kết gỗ mà xã Cư Bông phát hiện được. Ảnh: Cơ quan chức năng. |
Trước thực trạng nhiều diện tích rừng bị tàn phá trong thời gian qua, lãnh đạo UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã chỉ đạo lực lượng tại địa phương tuần tra, đóng giả người dân để trinh sát, bảo vệ diện tích rừng còn lại.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong quá trình nắm bắt tình hình, vào ngày 15/3, lực lượng trinh sát đã phát hiện một nhóm người mang cưa lốc, xe độ chế vào rừng để khai thác gỗ.
Ngay sau đó, đơn vị đã báo cáo lên Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar – đơn vị chủ rừng để có biện pháp phối hợp, bắt giữ.
Tuy nhiên, theo ông Vỹ, đến khoảng 18h30 ngày 17/3, các trinh sát báo cáo gỗ được nhóm người vận chuyển ra khỏi khu vực rừng. Nhưng kiểm lâm và chủ rừng vẫn chưa có mặt để làm nhiệm vụ.
Ông Vỹ cho hay, lúc này ông đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện xin ý kiến. Ngay sau đó, lực lượng trinh sát, công an, dân quân tự vệ đã đến hiện trường bắt giữ 2 xe công nông độ chế và hàng chục khối gỗ… Sau đó, toàn bộ số gỗ đã đưa về trụ sở UBND xã.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Trọng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar cho rằng, ông Vỹ nói như vậy là không đúng.
Ông Trọng cho biết, trước đó ông Vỹ có báo rằng các trinh sát phát hiện nhóm người đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Khi đó, ông có nói lực lượng bên xã có đông người thì theo dõi, có vấn đề gì thông báo lại để Hạt bố trí lực lượng để phối hợp.
Cũng theo ông Trọng, vào sáng hôm sau có 5 kiểm lâm và 4 công an huyện vào, nên không thể nói không kịp thời được.
Số gỗ mà lâm tặc khai thác được đưa về trụ sở. |
Còn về vấn đề có “nội gián” hay không, ông Vỹ cho hay, việc bắt gỗ nếu chờ đợi thì không thể bắt được vì lâm tặc vận chuyển gỗ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Muốn bắt quả tang thì phải nhanh nhạy, thận trọng, nếu phối hợp rộng thì thông tin dễ rò rỉ ra ngoài và rất khó để thực hiện thành công.
Theo ông Vỹ, những lần lực lượng xã độc lập đi theo dõi, trinh sát thì đa phần đều bắt được. Còn những lần phối hợp rộng thì lực lượng chỉ về tay trắng…
Tuy nhiên, ông Trọng lại cho rằng, xã Cư Bông là điạ điểm phức tạp nhất, riêng gỗ nếu không có đội ngũ xe cày độ chế thì không bao giờ xuống được rừng.
Vị này còn cho hay, ông đã tham mưu lên UBND huyện báo cáo vụ việc phá rừng cho UBND tỉnh và Sở NN-PTNT. Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết kiểm điểm trách nhiệm chủ rừng và kiểm lâm địa bàn, nhưng kiểm lâm bị kiểm điểm là do không tuần tra độc lập, chứ không nói không phối hợp.
Còn ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar cho biết, vào ngày 15/3, sau khi được báo thì đơn vị đã cử lực lượng đến nhưng không phát hiện lâm tặc.
Riêng 17/3, vào cuối tuần (thứ 7 - PV) nên lực lượng bảo vệ rừng chia nhau có người trực có người về. Trong đó, một số bảo vệ rừng ở ngoài huyện nhưng hôm đó có sinh nhật, uống vào nên không nghe máy được.
Về phần mình, ông Mạnh cho biết, hôm đó chủ tịch xã Cư Bông có gọi cho ông, nhưng do ông đi đám cưới, hơi mệt nên đã ngủ sáng mới tỉnh. Sau đó, ông đã liên hệ cho ông Vỹ và nhanh chóng vào khu vực rừng.
“Tôi đang nhờ công an vào cuộc nếu có việc lực lượng bảo vệ rừng tiếp tay thì sẽ đuổi việc, còn buông lỏng không quản lý thì tùy theo mức độ xử lý”, ông Mạnh khẳng định.
Xót xa bữa ăn toàn rau chấm muối trên hành trình tìm 'con chữ' của học sinh Tây Nguyên
Nói là bữa cơm nhưng thức ăn của các em học sinh nơi đây chỉ toàn cơm trắng với rau, có khi vài tháng mới ... |
Sự thật cay đắng đằng sau việc 2 trẻ em dân tộc thiểu số bị đưa xuống Sài Gòn lao động
Sau khi được cơ quan chức năng đưa từ TP Hồ Chí Minh về với bố mẹ, 2 cháu nhỏ cho biết mình đã bị ... |