Điều gì mang lại hạnh phúc cho đứa trẻ có thể sẽ khiến các bậc phụ huynh ngỡ ngàng. Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã nghiên cứu và chỉ ra rằng hạnh phúc không phải là thứ gì đó bạn cho con bạn, mà là thứ bạn dạy con.
Hạnh phúc không phải là thứ gì đó bạn cho con bạn, mà là thứ bạn dạy con. |
Edward Hallowell, bác sĩ tâm thần và là tác giả của cuốn sách “The Childhood Roots of Adult Happiness” cho biết những đứa trẻ quá được nuông chiều - cho dù là được mua cho quá nhiều đồ chơi hay được vỗ về ngay tức khắc khiến chúng không có cơ hội tự vượt qua cảm xúc tiêu cực. Những đứa trẻ này có khả năng cao trở thành những đứa trẻ vị thành niên buồn chán, hay nghi ngờ và không biết vui vẻ. Hạnh phúc đến từ bên trong trẻ, chứ không phải biểu hiện bên ngoài.
May mắn là bố mẹ không cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý trẻ em mới có thể mang lại hạnh phúc cho con. Chỉ cần kiên nhẫn và linh hoạt, bố mẹ có thể giúp con học cách hạnh phúc, ngay từ bây giờ.
Làm sao để biết trẻ có hạnh phúc hay không?
Bọn trẻ không dễ giấu cảm xúc, thế nên không có gì khó để biết được điều gì đang khiến trẻ vui hay trẻ buồn. Đứa trẻ có thể cười rạng rỡ, mặt sáng bừng khi bố mẹ đi làm về nhà, hoặc khóc nức nở không kiểm soát được khi không tìm thấy món đồ chơi yêu thích.
Đứa trẻ hạnh phúc là khi nó chơi, chạy nhảy, cười đùa, muốn chơi với những đứa trẻ khác, tò mò về thế giới xung quanh. |
Bạn hãy nhìn vào đứa trẻ. Đứa trẻ hạnh phúc là khi nó chơi, chạy nhảy, cười đùa, muốn chơi với những đứa trẻ khác, tò mò về thế giới xung quanh, nhưng không cần phải liên tục có kích thích môi trường để khiến nó vui vẻ. Một đứa trẻ không hạnh phúc cho thấy các dấu hiệu rõ ràng như không chơi, không đặt câu hỏi, không cười, hầu như không nói gi cả, thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực.
Không nên nhầm lẫn các biểu hiện của một đứa trẻ ngại ngùng trong tương tác với mọi người hay một đứa trẻ hướng nội với một đứa trẻ đang có vấn đề về cảm xúc. Ngại ngùng không giống với buồn bã, nhưng sẽ khó cho bố mẹ hơn khi đọc vị cảm xúc của trẻ. Hallowell nói bất kỳ sự thay đổi lớn trong hành vi của trẻ - trẻ bỗng tự cô lập mình nhiều hơn hay sợ hãi, có thể dấu hiệu cho thấy trẻ đang có vấn đề, bố mẹ cần chú ý.
Trẻ cũng có những lúc khó chịu, bực bội. |
Paul C. Holinger, giáo sư tâm thần học tại Chicago, đã xác định chín "tín hiệu" mà sơ sinh dụng để truyền đạt cảm xúc của chúng. Bạn cũng có thể nhận ra những tín hiệu này ở trẻ nhỏ dưới hai tuổi. Hai trong số các tín hiệu, "vui vẻ" và "hào hứng", là những cảm xúc tích cực, trong khi các tín hiệu tiêu cực như "đau khổ", "tức giận", và "sợ hãi", sẽ mang đến cảm giác bất hạnh cho đứa trẻ.
Trẻ cũng có những lúc khó chịu, bực bội. Các cảm xúc này là bình thường, song nếu xảy ra với tần suất liên tục, thì bạn nên tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều cha mẹ không nhận ra rằng một đứa trẻ giận dữ vì nó buồn và căng thẳng.
Làm sao để giúp trẻ hạnh phúc?
- Tương tác với con, chơi đùa với con. Nếu bạn chơi đùa với chúng, chúng cũng sẽ vui vẻ. Bạn làm được điều này thường xuyên tức là bạn đang tạo cho con một tuổi thơ khiến trẻ cảm thấy gắn bó với cha mẹ. Đây là bước tốt nhất để đảm bảo trẻ sẽ hạnh phúc trong tương lai.
- Giúp trẻ phát triển các kĩ năng. Các trò chơi có thể tạo ra niềm vui, nhưng hãy vui chơi theo cách có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng. Bằng cách khuyến khích trẻ tập nhiều kĩ năng khác nhau, bạn đang dạy trẻ rằng trẻ có kiểm soát trong cuộc đời trẻ. Cảm giác có kiểm soát này là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc trong giai đoạn trưởng thành.Trẻ cần được phép lựa chọn, và được làm những thứ chúng thích. Ép buộc và sự thiếu vắng niềm vui không có ý nghĩa gì cả.
Hãy cho con một tuổi thơ khiến con cảm thấy gắn bó với cha mẹ. |
- Tạo các thói quen lành mạnh cho trẻ: Cho trẻ ngủ nhiều, vận động nhiều, và ăn uống tốt. Trẻ nhỏ luôn luôn vận động nếu không có ai tìm cách kìm hãm chúng. Một số thức ăn có thể ảnh hướng đến cảm xúc của trẻ. Ví dụ đường trắng có thể khiến trẻ vận động nhiều hơn bình thường, nhưng cũng có thể khiến trẻ thay đổi tâm trạng nhanh và có những hành vi hung hăng.
- Để cho trẻ tự đối mặt với khó khăn. Đôi khi cha mẹ nghĩ rằng việc làm hộ cho trẻ mọi thứ, khiến cuộc sống của trẻ thuận lợi, dễ dàng, sẽ làm trẻ hạnh phúc. Tuy nhiên Carrie Masia-Warner – nhà tâm lý học trẻ em ở Đại học Y khoa New York lại xem đây là một sai lầm rất lớn của những bậc phụ huynh yêu con không đúng cách.
Cha mẹ không nên luôn luôn tìm cách giúp trẻ ngay lập tức hoặc giải tỏa những cảm xúc tiêu cực ở chúng. Trẻ cần có cơ hội cảm nhận và tự xử lý các cảm xúc. Trẻ có cơ hội tập như vậy sẽ phát triển kĩ năng xử lý các cảm xúc tiêu cực. Đây cũng là yếu tố quan trọng dự đoán mức độ hạnh phúc trong cuộc sống tương lai của trẻ. Chơi một mình 10-15 phút mỗi ngày rất tốt cho trẻ. Thói quen này giúp trẻ tự tin và độc lập.
- Cho phép trẻ tức giận hoặc buồn bã. Trẻ cần hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực là bình thường, nó là một phần của cuộc sống. Hãy để con được trải nghiệm mọi cảm xúc, bao gồm cả tức giận và buồn bã. Thay vì ngăn cản con, điều bố mẹ cần làm là giúp con diễn giải lại cảm xúc. Trẻ nhỏ hiểu rất nhanh hai từ “vui vẻ” và “giận dữ”. Khi trẻ đặt hai từ đó vào cảm xúc của chúng, chúng sẽ có khả năng nhận biết và kiểm soát cảm xúc.
Dạy con cách chia sẻ cũng là cách giúp con hạnh phúc. |
- Dạy con bạn cách chia sẻ và quan tâm tới người khác. Đưa cho trẻ một chiếc quần bẩn và yêu cầu trẻ bỏ vào thùng giặt là cũng rất đủ để dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ.
- Hãy làm gương cho trẻ. Bạn có thể "truyền" lại tính khí của bạn cho con qua những hành vi và kiểu dạy con của bạn. Trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước cả các cảm xúc của người lớn. Khi bạn cười, trẻ sẽ cười và não bộ trẻ phát đi tín hiệu phải cười. Riêng việc này đã kích thích nhiều đường kết nối neuron.
Nếu bạn biết ơn vì những điều giản dị và thể hiện điều đó, bạn sẽ là một tấm gương tuyệt vời cho con. Bạn cũng không nên che giấu các cảm xúc tiêu cực của bản thân trước con. Bạn hoàn toàn có thể thể hiện chúng với con theo cách hợp lý, và cho con bạn thấy bạn tự xử lý cảm xúc như thế nào.