Lần đầu nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng công bố thông tin tài chính, một đơn vị BĐS có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trên 27 lần

Nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong kỳ kế toán 1/1-31/12/2022.

Lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong kỳ kế toán 1/1-31/12/2022. Đây có thể được xem là tín hiệu tích cực, dần củng cố niềm tin và hướng đến một thị trường minh bạch.

Trong số các doanh nghiệp công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào hai ngày 27-28/3, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao trên 4 lần, cao hơn mức bình quân 1,56 lần của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Các doanh nghiệp sản xuất còn lại có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu dưới 2 lần.

Cá biệt, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC; CTCP Câu lạc bộ Du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh  lần lượt ghi nhận hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trên 27 lần và 16 lần, tương ứng nợ phải trả là 5.170 tỷ đồng và 4.689 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp có nợ phải trả ở mức cao trên 8.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022 gồm CTCP Bất động sản Gragon Village và Tổng Công ty Đông Bắc. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của hai doanh nghiệp này đều trên 4 lần.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp từ HNX).

Trước đây trong thời kỳ thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, một số ít tổ chức phát hành chưa đại chúng công bố tình hình tài chính cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao và quy mô nợ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hơn 80% giá trị trái phiếu bất động sản được phát hành ra thị trường vào giai đoạn này bởi doanh nghiệp chưa đại chúng và thuộc nhóm rủi ro cao (chủ yếu là doanh nghiệp dự án hoặc mới được thành lập khó tiếp cận được tín dụng, thường là tín phiếu, chất lượng tài sản bảo đảm thấp, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu rất cao,…).

FiinGroup từng đề cập mặc dù không đủ dữ liệu và thông tin để có thể đưa ra các đánh giá điểm tín nhiệm cơ bản đối với các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết nhưng theo quan sát của nhóm chuyên gia, hầu hết các đơn vị này có sức khỏe tài chính ở mức yếu, trong khi năng lực kinh doanh chưa được khẳng định do phần đông là các công ty dự án.

Trong khi các doanh nghiệp niêm yết bắt buộc đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin, bao gồm bản cáo bạch chào bán trái phiếu thì nhóm chưa niêm yết thường xuyên khuyết thông tin (không kê khai hoặc cập nhật các thông tin, tình hình tài chính cơ bản). Do đó, các trái chủ mua trung gian hầu như không thể tự đánh giá sức khỏe tín dụng và theo dõi được năng lực trả nợ của nhóm này.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu bình quân của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 1,56 lần, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp chưa đại chúng. Số liệu được tính đến cuối năm 2022. (Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp, Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Nhiều điểm mù thông tin nói trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ niềm tin trên thị trường thời gian qua, kéo theo nhà đầu tư rút trước khi đáo hạn kể cả các trái phiếu của các doanh nghiệp rủi ro thấp, gây ra các hiệu ứng dây chuyền lên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trái phiếu.

Sự ra đời của các chính sách mới như dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP,… được kỳ vọng sớm khơi thông những điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó để thị trường này phát huy được vai trò giảm áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng.

Mới đây, NHNN cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các chính sách mới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó củng cố thị trường trong ngắn hạn, còn về dài hạn đòi hỏi sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, bao gồm yếu tố minh bạch thông tin.

“Khơi thông nguồn vốn cho thị trường giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình mà còn phải tạo điều kiện cho các kênh vốn. Bản chất là từ tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có lãi và dự án có hiệu quả. Có doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy hơn 30 lần. Do vậy, cần có cơ cấu lại từ phía doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lưu ý.

NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Một trong những nội dung quan trọng mà dự thảo đề cập là bổ sung quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của những doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.

Điều này sẽ góp phần hạn chế trường hợp các tổ chức phát hành là công ty dự án có đòn bẩy rất cao, từ hàng chục đến vài chục lần, qua đó hạn chế tăng nợ xấu, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.