Lần thứ 4 xin lùi thời hạn trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ 4.

Sáng 16/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023. Trong đó, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày thẩm tra tờ trình cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận đặc biệt quan tâm. Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể, trong khi đây là dự án luật cấp thiết, cần phải ban hành sớm.

Dự án này đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ 4. Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình không phải là vấn đề mới, Quốc hội cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan nghiêm túc, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của công tác lập pháp. Việc đưa vào chương trình rồi lại xin rút là thực trạng mà các đại biểu Quốc hội phê bình rất nhiều. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, các Bộ, nhất là Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc trình các dự án luật tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị của Chính phủ. Nội dung nào "chín", đủ điều kiện, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ đưa ra trình vì "giục tốc bất đạt". Trong quá trình đó, các cơ quan của Quốc hội sẽ đồng hành vào cuộc từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc lùi lại thời gian trình Quốc hội thêm một kỳ họp nữa. Như vậy dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề này phải quyết tâm thực hiện, không thể nào lùi thêm được nữa. 

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tín dụng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận:

"Trong bối cảnh Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu chỉ cho phép kéo dài đến hết năm 2023, sau năm 2023 không có luật nào là luật về xử lý nợ xấu nữa, thì Chính phủ lại không đề cập đến nội dung này". 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm về việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng và cho biết hiện này việc xử lý nợ xấu đang được thực hiện theo hai hệ thống khác nhau. Một là theo phạm vi của Nghị quyết 42 và hai là theo Luật Các tổ chức tín dụng và luật có liên quan:

"Việc này không thể kéo dài. Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ kéo dài đến năm 2023. Sau thời điểm này nếu như không có sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng thì sẽ đình chỉ hiệu lực của Nghị quyết 42 và cũng không xây dựng luật về xử lý nợ xấu. Do đó, Chính phủ cần xem xét để lấp được khoảng trống để hai hệ thống này chập vào với nhau".

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 vừa qua, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá và các luật có liên quan; đề nghị Chính phủ quan tâm về các luật này.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.