8 tỉnh Bắc Trung bộ góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 8/4, tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý của 8 tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ (từ Thanh Hoá đến Quảng Nam) về các nội dung đổi mới, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước cũng như phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 259 điều được bố cục thành 17 chương; tăng 3 chương và 47 điều so với Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất, một chương về tổ chức thi hành Luật Đất đai (bao gồm cả trách nhiệm tổ chức thi hành Luật Đất đai và xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành Luật Đất đai) và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành hai chương.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng Sở Tài nguyên và Môi trường của 8 tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận các vấn đề về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách kinh tế, tài chính đất đai, giá đất; những khó khăn bất cập sau thanh tra và các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương...

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: TTXVN).

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình về bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thay đổi tổ chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất tại các địa phương. Bên cạnh đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cũng đưa ra các lựa chọn phương án điều chỉnh, sửa đổi các điều luật trong dự thảo về giá đất, phân loại đất, thu hồi đất, bồi thường đất...

Cho rằng cần sử dụng từ ngữ chính xác để việc thực thi luật được dễ dàng hơn, TS Nguyễn Thị Hải (Đại học Nông lâm, Đại học Huế) góp ý, chỉnh sửa một số cụm từ, từ ngữ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, cần rà soát lại một số điều khoản viện dẫn đối với một số điều trong dự thảo như Điều 67, 72, 92… Đối với khoản 3, Điều 8 của dự thảo, việc cho thuê quyền sử dụng đất không cần phải có hợp đồng thuê đất.

Từ thực tiễn của địa phương, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đồng tình với đại diện tỉnh Quảng Nam về việc để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét kéo dài thời gian làm thủ tục (cấp phép, đầu tư, đánh giá hoạt động môi trường…) sau khi giao đất vì thời hạn 12 tháng là rất ngắn và gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, bố cục dự thảo đã được sửa đổi, thiết kế hợp lý, thống nhất và dễ hiểu hơn. Một số thực tiễn được luật hoá, đưa vào dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Ghi nhận các ý kiến góp ý của đại diện các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu rõ, ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nghiêm túc tiếp thu một cách cầu thị, phân tích và tổng hợp các ý kiến tại hội thảo để bổ sung, hoàn thiện dự thảo.

Lãnh đạo các địa phương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm một số nội dung mới chưa có trong dự thảo để Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai trình Chính phủ theo đúng kế hoạch.

Qua hơn 7 năm tổ chức thi hành, dù đã đạt được những kết quả quan trọng, Luật Đất đai 2013 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững.

Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân có những nơi còn khó khăn do chưa thực hiện đúng quy định; quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng...

Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống; bảng giá đất tại một số địa phương mới bằng khoảng 65% so với giá thị trường. Việc tổ chức thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế; vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân... 

Song song với quá trình xây dựng xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Qua kết quả rà soát vướng mắc, chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.