Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, làng bánh chưng miền Nam ở Đồng Nai đang tất bật bước vào đợt cao điểm gói bánh chưng để cung ứng hàng cho thị trường Tết Mậu Tuất 2018.
Ghi nhận thực tế tại làng gói bánh chưng nằm ở phường Hố Nai (TP Biên Hoà, Đồng Nai), không khí làm việc tất bật, hối hả của các công nhân gói bánh khiến nhiều người cảm nhận rằng Tết đang đến cận kề. Tại làng bánh chưng có trên 20 cơ sở lớn nhỏ chuyên làm nghề gói bánh với thâm niên nghề trên 20 năm.
Không khí hối hả, tất bật gói bánh tại làng bánh chưng miền Nam ở Đồng Nai. Ảnh: Văn Dũng |
“Những người tại các cơ sở này đều từ miền Bắc vào (chủ yếu là tỉnh Hải Dương), họ tập trung lại và cùng nhau làm nghề gói bánh chưng. Những ngày thường, các cơ sở này gói bánh chưng phục vụ thị trường tiêu dùng. Đến tháng Chạp, họ nhận những đơn hàng lớn từ các siêu thị, doanh nghiệp, thậm chí nhận làm bánh chưng cho các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn”, một người dân tại làng bánh chưng cho biết.
Bánh chưng ở miền Nam được gói bằng nguyên liệu nếp cái hoa vàng, đảm bảo được hương vị thơm, ngon của bánh chưng gia truyền. Ảnh: Văn Dũng |
Theo các chủ cơ sở gói bánh chưng, từ đầu tháng Chạp trở đi, rất đông người dân, doanh nghiệp tìm đến làng bánh để đặt hàng. Thời gian sản xuất bánh Tết ngắn trong khi lượng đơn hàng lớn nên các cơ sở phải gấp rút làm việc, tăng cường nhân lực và tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm.
“Như thường lệ, năm nay nhà tôi mua trên 3 tấn nếp cái hoa vàng để gói bánh chưng. Để kịp tiến độ cho thị trường Tết, cơ sở chúng tôi phải thuê 20 người làm việc”, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cơ sở gói bánh chưng chia sẻ.
Những chiếc bánh được đưa vào khuôn gói. Ảnh: Văn Dũng |
Theo bà Hiền, những chiếc bánh chưng ở Hố Nai được gói theo phương thức truyền thống. Để đảm bảo hương vị thơm, ngon, những người làm bánh tự đặt ra các quy chuẩn trong vệ sinh, lựa chọn nếp, thịt heo, chọn lá gói…
“Tùy vào mỗi loại nếp mà chúng tôi áp dụng cách nấu và thời gian nấu. Bánh làm xong sẽ được nấu chín bằng bếp củi. Khi bánh nguội, chúng tôi cho vào máy rút chân không đóng gói để đảm bảo vệ sinh và bảo quản”, bà Hiền cho biết thêm.
Lá dong được chùi rửa sạch sẽ trước khi cắt gói. Ảnh: Văn Dũng |
Đa số khách hàng của các cơ sở gói bánh là các doanh nghiệp lớn tại TP HCM và một số doanh nghiệp đóng ở nước ngoài. Ngoài ra, mỗi năm các cơ sở còn sản xuất hàng nghìn cặp bánh chưng xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ kiều bào Việt Nam đón Tết xa xứ.
Tại lò bánh của chị Nguyễn Thị Là, hàng chục nhân công với các công việc khác nhau đang hối hả để cho những mẻ bánh ra lò. Hàng tấn lá dong, gạo nếp cũng như thịt mỡ dưa hành được các công nhân làm sạch, chuẩn bị cho vào khuôn gói bánh.
“Chúng tôi làm bánh chưng theo yêu cầu khách hàng. Đơn hàng nhiều nhất vẫn là bánh loại 1 kg, 2 kg. Cơ sở cũng nhận làm bánh loại 12 kg cho một doanh nghiệp”, chủ cơ sở Nguyễn Thị Là chia sẻ.
Mỗi dịp giáp Tết, hàng nghìn cặp bánh chưng được các cơ sở cung ứng ra thị trường Tết và xuất khẩu ra nước ngoài cho các kiều bào đón xuân xa xứ. Ảnh: Văn Dũng |
Theo người dân, dịp cận Tết, giá gạo nếp, thịt và các nguyên liệu làm bánh lên cao nên giá thành sản xuất bánh bị đẩy lên cao. Nhiều cơ sở sản xuất buộc phải nâng giá sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận.
Làng bánh chưng Hố Nai đã tồn tại trên 20 năm và mỗi cơ sở làm bánh đều giữ cho riêng mình bí quyết làm bánh ngon gia truyền. Ảnh: Văn Dũng |
Làng bánh chưng Hố Nai đã tồn tại trên 20 năm và mỗi cơ sở làm bánh đều giữ cho riêng mình bí quyết làm bánh ngon gia truyền. Họ luôn tâm niệm rằng mỗi chiếc bánh sản xuất ra bán cho doanh nghiệp và người tiêu dùng phải luôn đảm bảo bảo được chất lượng tốt nhất, giống như những chiếc bánh mà gia đình làm để đặt lên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết. Nhiều gia đình ở làng bánh chưng trở thành công ty lớn, có thương hiệu và thu nhập cao từ nghề.
Cận cảnh cả làng hối hả đi hái lá dong ngày cận Tết |