Ngày 10/8, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho hay:
Trong 10 năm qua, quy mô mạng lưới trường lớp của giáo dục Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển với 2.643 trường học, 1.892.748 học sinh.
Từ năm 2008 - 2018, quy mô giáo dục thành phố tăng 435 trường mầm non và phổ thông, tăng 632.572 học sinh.
Phát huy kết quả đạt được trong các năm qua, năm học 2017-2018, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đạt 99,38%, có số thí sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước (51 thí sinh).
Hà Nội cũng dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, ngành giáo dục Thủ đô còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức như quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa đồng bộ;
Một số trường ở khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về số học sinh, số học sinh/ lớp;
Một số trường còn thiếu nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; công tác tuyển sinh vào lớp 10 vẫn còn để phát sinh tình huống lọt đề trong khi thi...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thừa nhận, một số trường ở khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về số học sinh. (Ảnh: Sỹ Điền) |
Nhìn nhận những hạn chế này, ông Ngô Văn Quý giao một số nhiệm vụ cho ngành giáo dục Thủ đô năm học 2018-2019. Cụ thể:
Một là, quyết tâm giữ vững thành tích của ngành giáo dục Thủ đô, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 29.
Hai là, hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học toàn thành phố. Quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, tăng cường trồng cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp.
Từng bước khắc phục việc thiếu phòng học tại các khu vực nội đô, khu vực đông dân cư.
Ba là, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nhà giáo góp phần thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Rà soát hệ thống giáo dục ngoài công lập, các trường tư thục trên toàn thành phố, đảm bảo quản lý giáo dục theo đúng quy định (về chất lượng giáo viên, giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học...).
Đổi mới công tác kiểm định, công bố công khai trên hệ thống thông tin về kết quả kiểm định, chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định, làm căn cứ để người dân giám sát và xem xét mức học phí tương ứng với chất lượng giáo dục.
Bốn là, tiếp tục quan tâm, chú trọng, việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà.
Đưa bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội” vào giảng dạy đại trà từ năm học 2018-2019.
Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; triển khai có hiệu quả việc hội nhập quốc tế về giáo dục.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại 02 trường Trung học phổ thông Chu Văn An, chuyên Hà Nội – Amsterdam và 7 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố...
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đặc biệt trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử; tuyển sinh đầu cấp...
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao vai trò giám sát của thanh tra nhân dân, công đoàn tại các cơ sở giáo dục; kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm về công tác quản lý điều hành, thu chi tài chính, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Và công việc trước mắt cần triển khai ngay đó là quan tâm, tăng cường hỗ trợ các nhà trường ở khu vực khó khăn, đặc biệt là các trường học tại khu vực đang chịu ảnh hưởng ngập lụt ở Chương Mỹ, Quốc Oai để có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới 2018-2019.
Các trại lớp học kỹ năng, sinh hoạt văn nghệ thú vị cho trẻ ở Hà Nội hè này
Bên cạnh lớp học văn hóa nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức trong các môn học ở trường, những khóa học ngắn hạn giúp trẻ ... |
Lớp học ọp ẹp cheo leo bên sườn núi
Học ghép lớp trong căn phòng lợp bằng tre nứa ọp ẹp, đó là cảnh đáng thương của điểm trường Sậy, thuộc bản Sậy, xã ... |
Làng Đại học Thủ Đức có lớp học 15.000 đồng của ông Tư
Lớp học tình thương của ông Tư ở làng đại học chỉ thu học phí 15.000 đồng/tháng. Học sinh ở lớp học đều là con ... |