Lãnh đạo Taxi Vinasun: Lái xe tự phát, dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

Trước việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun dán decan “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, lãnh đạo hãng này đã lên tiếng.

Sáng 8/10, nhiều người dân tại TP.HCM bắt gặp hình ảnh những chiếc taxi của hãng Vinasun có dán decan màu đỏ khá bắt mắt với dòng chữ “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” hoặc "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" ở sau xe.

lanh dao taxi vinasun lai xe tu phat dan khau hieu phan doi uber grab

Hình ảnh này không chỉ khiến người dùng taxi công nghệ mà nhiều người đi đường khác cảm thấy phản cảm. Một số người cho rằng vì cạnh tranh không lại các đối thủ taxi công nghệ nên Vinasun mới giở trò “ăn vạ” và việc "yêu cầu Grab và Uber tuân thủ pháp luật Việt Nam" là nhiệm vụ của cơ quan chức năng chứ không phải của Vinasun - một đối thủ cạnh tranh. Có quan điểm cho hay đây là cách “vùng vẫy trong tuyệt vọng” của hãng taxi truyền thống này trước sự phát triển như vũ bão của taxi công nghệ.

Trao đổi về vấn đề này với PV Infonet, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết, đây chỉ là hành động bộc phát của các lái xe chứ không phải chủ trương của công ty.

“Chúng tôi đang cho rà soát lại vì sao lái xe lại dán decan có nội dung như vậy lên xe?”, ông Hỷ nói.

lanh dao taxi vinasun lai xe tu phat dan khau hieu phan doi uber grab
Decan với dòng chữ được nhiều người cho là phản cảm dán sau xe taxi của hãng Vinasun.

Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến tháng 1/2018 sẽ kết thúc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tháng 6/2017 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các địa phương tham gia thí điểm taxi công nghệ thống kê, rà soát chính xác số lượng tham gia, đồng thời dừng cấp phép thí điểm mới để hạn chế tình trạng bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

Hiện Bộ GTVT đang cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ với tên gọi hợp đồng ứng dụng công nghệ cho 7 đơn vị.

Đó là Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car).

Tại TP.HCM, tính đến tháng 4/2017, taxi công nghệ có khoảng 22.000 xe, vượt xa con số 11.000 xe taxi truyền thống.

Trước sự bùng nổ của taxi công nghệ, Sở GTVT TP.HCM cùng với Hà Nội là hai địa phương có kiến nghị Bộ GTVT kết thúc đề án thí điểm taxi công nghệ vì không thể kiểm soát, khó khăn trong việc quản lý, xử phạt cũng như gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.