Uber sa thải 600 nhân viên ở Ấn Độ, chính thức rút khỏi thị trường châu Á?

"Thành trì" lớn nhất cuối cùng của Uber tại châu Á đã lung lay khi hãng gọi xe này quyết định sa thải tới 600 nhân viên ở Ấn Độ, kênh truyền hình CNN đưa tin.

Hãng gọi xe hôm thứ Ba (26/5) cho biết họ đang cắt giảm 600 việc làm ở Ấn Độ, tương đương 25% số nhân viên Uber tại nước này. Nhân viên bị cắt giảm sẽ là những lao động toàn thời gian, và không phải là tài xế. Uber đã từ chối trả lời về số lượng tài xế hiện có tại Ấn Độ.

Chủ tịch Uber tại Ấn Độ và Nam Á, Pradeep Parameswaran, đã lên tiếng xin lỗi những nhân viên bị sa thải, và gọi đó là một ngày buồn của công ty.

Ông nói thêm rằng Uber sẽ hỗ trợ 10 tuần lương cùng 6 tháng bảo hiểm y tế cho các nhân viên bị ảnh hưởng.

Việc sa thải lần này nằm trong một kế hoạch cắt giảm lớn mà Uber đã công bố trong tuần trước. Công ty đang có ý định cắt giảm tổng cộng 6.700 vị trí trong bối cảnh họ phải vật lộn với áp lực từ đại dịch Covid - 19.

Uber sa thải 600 nhân viên ở Ấn Độ, chính thức rút khỏi thị trường châu Á? - Ảnh 1.

Uber sa thải 600 nhân viên ở Ấn Độ. (Ảnh: CBC).

Tại Ấn Độ, từ đầu tháng này, Uber đã nối lại các dịch vụ gọi xe tại 50 thành phố, nhưng phần lớn đất nước vẫn đang bị phong toả.

Nhu cầu đi xe giảm khi nhiều người phải ở trong nhà. Uber đã hợp tác với công ty tạp hoá trực tuyến địa phương Bigbasket để ra mắt dịch vụ giao hàng trọn gói mới ở Ấn Độ.

Ấn Độ là thị trường trọng điểm cuối cùng của ông lớn gọi xe này tại châu Á. Trước đó, Uber đã bán phần lớn các hoạt động kinh doanh tại châu Á cho hai đối thủ là DiDi của Trung Quốc và Grab của Singapore. Mặc dù vậy, hãng vẫn duy trì hoạt động tại Hong Kong, Đài Loan và Nhật Bản.

Đối thủ cạnh tranh của Uber tại Ấn Độ là Ola, tuần trước cũng đã sa thải 1.400 nhân viên với lí do "cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội lớn chưa từng có".

Đầu năm nay, Uber đã có một bài thuyết trình trước các nhà đầu tư, và nói rằng hãng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi xe số 1 tại Ấn Độ, với 50% thị phần. Cả Uber và Ola đều được chống lưng bởi gã khổng lồ SoftBank.

Trong khi đó, tại thị trường Đông Nam Á, sân chơi của hai ông lớn là Grab và Gojek cũng đang gặp không ít khó khăn trước những tác động của đại dịch toàn cầu.

Tuần trước, CEO Grab Anthony Tan đã gọi đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 8 năm của hãng gọi xe, và thừa nhận rằng doanh thu đang bị sụt giảm, bất chấp lĩnh vực giao hàng thực phẩm đang có những tăng trưởng tích cực.

Đầu tháng 5, Grab tuyên bố đã cắt giảm 20% tiền lương của các nhân viên quản lí cấp cao, đồng thời khuyến khích các nhân viên của mình tự nguyện nghỉ phép không lương.

Hãng xe cũng cảnh báo rằng họ khó có thể cung cấp cho các tài xế nhiều khoản hỗ trợ tài chính hơn, nếu các biện pháp chống lại sự bùng phát dịch Covid-19 kéo dài đến sau ngày 1/6.

Nhà đồng sáng lập Grab, bà Tan Hooi Ling, cho biết hãng gọi xe đang chuẩn bị cho "một mùa đông kéo dài" và thực hiện các biện pháp cần thiết để hoạt động có hiệu quả hơn, cũng như bảo tồn tiền mặt.

Hiện Grab đang hoạt động tại 339 thành phố của 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.

Theo báo cáo của ABI Research, Grab chiếm 73% thị phần thị trường gọi xe tại Việt Nam trong năm 2019.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.