Grab: Từ dự án sinh viên ở trường Harvard đến doanh nghiệp chục tỉ USD, thay đổi cuộc chơi ở Đông Nam Á

Ứng dụng gọi xe Grab đã đảm bảo sinh kế cho những tài xế xe ôm trong khu vực, đồng thời tạo ra làn sóng khởi nghiệp công nghệ mới ở Đông Nam Á.

Ở Malaysia, các tài xế taxi không sử dụng bộ đếm số kilomet, đã từng là một cảnh tượng phổ biến. Trong khi phụ nữ hạn chế đi taxi một mình vì lo sợ những cuộc tấn công có thể xảy ra.

Trăn trở tìm cách thay đổi ngành công nghiệp taxi của đất nước, Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã phát triển ra ứng dụng gọi xe Grab vào năm 2012. Qua 8 năm kể từ ngày đó, Grab đã lớn mạnh trở thành một đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng xã hội hàng đầu tại khoảng 340 thành phố, ở 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Grab: Từ dự án sinh viên trong trường Kinh doanh Harvard

Hai người sáng lập bắt đầu nung nấu ý tưởng khởi nghiệp khi còn là sinh viên tại trường Kinh doanh Harvard. Ý tưởng của họ là về một ứng dụng gọi xe, lấy cảm hứng từ một bài giảng về việc cân bằng giữa việc theo đuổi lợi nhuận của công ty với các đóng góp xã hội.

Dự án khởi nghiệp của hai sinh viên đã giành giải nhì trong một cuộc thi được tổ chức tại trường đại học.

Sau khi tốt nghiệp, họ trở về Malaysia và bắt đầu bằng cách tiếp thị ứng dụng đến với các tài xế taxi.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Grab đã nhắm tới thị trường Đông Nam Á. Công ty nhanh chóng mở rộng sang Philippines, Singapore và Thái Lan vào năm 2013, và tiến vào thị trường Việt Nam, Indonesia trong năm 2014.

Grab: Từ dự án sinh viên đến người thay đổi cuộc chơi ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Hai đồng sáng lập Grab. (Ảnh: Nikkei).

Năm 2018, Grab mua lại Uber Technologies, một đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ, để củng cố vị thế là một công ty gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.

Ứng dụng Grab hiện đã đạt 185 triệu lượt tải xuống, một con số tương ứng với ít nhất là 30% dân số của ASEAN.

Grab giờ đây đã phát triển vượt ra ngoài một ứng dụng gọi xe đơn thuần ban đầu, cho phép đáp ứng nhiều nhu cầu hàng ngày của người dân thông qua các dịch vụ mới trên điện thoại thông minh, bao gồm: giao đồ ăn, đặt hàng thực phẩm, thanh toán, mua bán bảo hiểm,….

Grab đã tạo ra "một bước nhảy vọt", một hiện tượng trong đó các công nghệ và dịch vụ tiên tiến nhanh chóng chiếm ưu thế ở các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á, giúp cuộc sống của nhiều người trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn.

Không chỉ là cuộc sống hàng ngày của khách hàng Grab thay đổi, mà nó còn góp phần tạo ra sinh kế cho hàng triệu người. Trong số hàng triệu tài xế của Grab tại 8 quốc gia, 21% trong số đó là những người trẻ chưa bao giờ có được một công việc ổn định. Và 1,7 triệu tài xế đã có những khoản tiết kiệm gửi ngân hàng đầu tiên sau từng ấy năm làm việc với Grab.

Nhiều nhà hàng, bằng cách tham gia vào mạng lưới dịch vụ giao đồ ăn của Grab đã giành được khách hàng mới và chứng kiến doanh thu của họ tăng lên đáng kể.

Đồng sáng lập Grab, Tan Hooi Ling đã nhấn mạnh rằng nền tảng Grab đã cải thiện cuộc sống của các tài xế, và chủ nhà hàng.

.... đến công ty trị giá 10 tỉ USD ở Đông Nam Á

Phần lớn ở các thành phố của Đông Nam Á, tắc nghẽn giao thông đang là một vấn đề nghiêm trọng, cùng với các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra thường xuyên. Bằng cách phân tích các máy ghi âm lái xe và sử dụng trí thông minh nhân tạo, Grab có thể xác định được khu vực và tình huống có khả năng xảy ra va chạm. Tài xế được khuyến khích tham gia các lớp học với mục đích giảm thiểu tai nạn trong quá trình hoạt động.

Grab đang đẩy mạnh đàm phán với Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, để công nhận dịch vụ gọi xe như là một cơ sở hạ tầng xã hội mới. 

Chẳng hạn, Grab sẽ kêu gọi các nước triển khai chương trình bảo hiểm và y tế cho tài xế, để họ có thể làm việc với tâm lí an toàn. Sau khi các Chính phủ triển khai chương trình như vậy, Grab cũng sẽ cung cấp những chương trình lợi ích bổ sung của riêng mình.

Grab: Từ dự án sinh viên đến người thay đổi cuộc chơi ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

"Những đối tác không theo kịp tiến bộ trong công nghệ thông tin có thể sẽ bị đào thải", CEO Grab Anthony Tan chia sẻ. (Ảnh: Grab).

Mục tiêu đến năm 2025, Grab có kế hoạch sẽ giúp 5 triệu nhà hàng nhỏ và các doanh nghiệp trong khu vực tiếp cận được công nghệ kĩ thuật số. Bằng các hợp tác với các tổ chức giáo dục trong khu vực, Grab cũng dự định sẽ đào tạo cho 20.000 sinh viên những công nghệ tiên tiến nhất.

"Những đối tác không theo kịp tiến bộ trong công nghệ thông tin có thể sẽ bị đào thải", CEO Grab  Anthony Tan chia sẻ.

"Thông qua công nghệ, tôi muốn tất cả người dân Đông Nam Á có quyền bình đẳng tham gia vào các cơ hội kinh tế, cho phép họ và gia đình họ có cuộc sống tốt hơn", vị CEO nói thêm.

Sự bùng phát đại dịch Covid - 19 toàn cầu đã đặt các công ty khởi nghiệp như Grab vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy. Để ngăn chặn sự lây lan của virus, các Chính phủ đã ban hành nhiều hạn chế đi lại, giãn cách xã hội,… điều này đã khiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ gọi xe bị suy giảm đáng kể.

Đáp lại, Grab đã hạ mức phí thu được từ tài xế để hỗ trợ cho những người có thu nhập bị giảm vì dịch bệnh. Grab cũng đã chuyển các tài xế sang dịch vụ giao hàng thực phẩm khi nhu cầu trong lĩnh vực này ngày một tăng, và là một phần trong nỗ lực của họ để trở thành công ty kiến tạo cơ sở hạ tầng cuộc sống.

Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã xây dựng lên Grab trở thành một công ty trị giá 10 tỉ USD chỉ sau 8 năm. Cuộc khủng hoảng Covid - 19 một lần nữa đang thử thách năng lực thực sự của hai vị thuyền trưởng, cũng như y nghĩa xã hội của Grab.