Chiều 30/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương.
Theo đó, TP Huế trực thuộc Trung ương được lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Diện tích là 4.947 km2 và dân số 1,23 triệu. Sau thành lập, TP Huế trực thuộc Trung ương có hai quận, ba thị xã và bốn huyện. TP Huế trực thuộc trung ương đã đạt đủ các tiêu chuẩn của "đô thị di sản", gồm tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc; thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước.
Bộ trưởng Trà nói việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vừa thể hiện ý chí, nguyện vọng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới ở Huế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao đời sống của người dân.
"Đây cũng là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao", bà Trà nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành đề xuất thành lập TP Huế trực thuộc trung ương để bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Chủ trương này thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc.
Cơ quan thẩm tra đánh giá TP Huế mới sẽ tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương. Ủy ban kiến nghị Chính phủ và địa phương chủ động tạo thuận lợi nhất để cá nhân, tổ chức dễ dàng hoàn tất thủ tục thay đổi giấy tờ, điều chỉnh hoạt động kinh doanh khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương ngày 29/11.
Đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng
Cũng trong chiều nay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng. Bộ trưởng Nội vụ cho biết huyện Thủy Nguyên được định hướng thành thành phố trực thuộc thành phố. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết bổ sung một số cơ chế như Hải Phòng được bố trí không quá bốn phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố. Số lượng phó chủ tịch UBND quận có không quá ba người và số lượng phó chủ tịch phường không quá hai người.
Theo quy định hiện hành, TP Hà Nội và TP HCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 phó chủ tịch. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 phó chủ tịch; thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá hai phó chủ tịch.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng một phó chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc TP Hải Phòng. Đại biểu hoạt động chuyên trách cũng được bổ sung để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó ban chuyên trách Ban Đô thị. Mô hình HĐND TP Thủy Nguyên khi thành lập sẽ có hai phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu chuyên trách.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.