Nhiều ông lớn lần lượt kéo về, thị trường bất động sản Huế đang chuyển động ra sao?

Tại Thừa Thiên Huế trong quý III, có 7 dự án nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán, tổng giá trị giao dịch bất động sản tại đạt hơn 279 tỷ đồng, số lượng sản phẩm dự án tồn kho là 975 căn...

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn trong quý III.

Địa phương đánh giá nhìn chung, thị trường vẫn còn trầm lắng và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Lượng giao dịch tăng nhẹ so với quý II. Nhu cầu mua tiếp tục thấp do tâm lý nhà đầu tư yếu và chờ đợi, dẫn đến thanh khoản chung trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. 

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay..., song các chính sách vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản.

Hiện nay, một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại khó khăn, vướng mắc về pháp lý (bao gồm việc xác định nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư phải nộp, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai...) và về nguồn vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng).

Điều này khiến một số doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. 

Một góc TP Huế. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Liên quan đến tình hình phát triển nhà ở xã hội, tính đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án nhà ở xã hội.

Trong đó có 4 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2010 - 2014. Đến nay, các dự án đã bán và bàn giao đưa vào sử dụng 1.764/1.773 căn hộ, chỉ còn lại căn hộ thương mại của chủ đầu tư. 

Có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 - 2021. Đến nay, có 1 dự án2 nhà đầu tư đã tự chấm dứt hoạt động, 1 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị với tổng số 1.200 căn hộ. 

Có 3 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án thương mại, khu đô thị với tổng quy mô 2.758 căn hộ. Hiện nay, mới chỉ có 1 dự án đang triển khai xây dựng, còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án và thủ tục giao đất.

Liên quan đến các dự án phát triển nhà ở thương mại, trong quý III có 1 dự án đang triển khai của CTCP An Invest, quy mô 497 căn chung cư và 106 căn nhà riêng lẻ. 

Có 7 dự án nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán, với tổng số sản phẩm là 292 căn chung cư và 2.005 căn nhà riêng lẻ.

Các chủ đầu của 7 dự án này gồm CTCP Đầu tư An Dương, CTCP Apecland Huế, CTCP Ariyana vĩ Dạ, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Cotana Capital, CTCP Đầu tư IMG Huế, CTCP Tập đoàn IUC - CTCP Tập đoàn BGI, CTCP Đầu tư Bất động sản Phú Xuân - Công ty Constrexim số 1 - CTCP Confitech Tân Đạt.

Có 1 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô 168 căn nhà riêng lẻ, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư IMG Huế. 

Về lượng giao dịch bất động sản trong quý III, có 65 căn chung cư và 26 căn nhà ở riêng lẻ. Tổng giá trị giao dịch đạt 279,2 tỷ đồng. Số lượng bất động sản tồn kho là 975 căn. 

Nhiều ông lớn kéo về

Vừa qua vào tháng 9, trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đã chính thức đi vào hoạt động. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 8,6 ha, có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Đây là trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung tính đến thời điểm hiện tại. 

Aeon Mall Huế ngày khai trương. (Ảnh: Minh Hằng). 

Bên cạnh trung tâm thương mại 4.000 tỷ, từ đầu năm đến nay, địa phương cũng đã đón nhiều doanh nghiệp lớn kéo về làm dự án bất động sản trên địa bàn.

Hồi tháng 7, liên danh CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Dojiland được duyệt là chủ đầu tư Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.

Diện tích đất sử dụng khoảng hơn 18 ha. Dự kiến tổng chi phí thực hiện dự án khoảng hơn 4.600 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

Ngày 12/4, dự án khu đô thị phía đông đường Thủy Dương - Thuận An (tên thương mại là BGI Diamond Bay), thuộc khu E, Khu ĐTM An Vân Dương đã được khởi công xây dựng. Dự án được đầu tư bởi IUC Group, Tập đoàn Nam Mê Kông và được phát triển bởi BGI Group. Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. 

Trước đó vài ngày, trong khuôn khổ Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp giáo dục của Tập đoàn FPT. Dự án có số vốn đăng ký khoảng 433 tỷ đồng, sẽ được thi công trong năm 2024 và dự kiến đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2025.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đề xuất, đăng ký làm dự án bất động sản ở Thừa Thiên Huế. Tháng 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh công bố nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm Khu du lịch cao cấp Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế là liên danh Công ty TNHH Hà Đạt - CTCP Khách sạn GHC (doanh nghiệp có những mối liên hệ với Hacom Holdings).

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 192 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 10 tỷ đồng. Đến tháng 5, liên danh GHC - Hà Đạt đã được thông báo đạt yêu cầu đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm. 

Trong tháng 1, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn TTC. Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành mong muốn được đầu tư trên địa bàn tỉnh các lĩnh về khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, du lịch, cụm công nghiệp... 

Tại buổi tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn KX (Hàn Quốc), đại điện doanh nghiệp cho biết, tập đoàn hướng đến việc nghiên cứu dự án sân golf tại xã Điền Hoà, huyện Phong Điền. Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định sẽ đồng hành với tập đoàn, phấn đấu hoàn thành các thủ tục để dự án có thể khởi công cuối năm nay. 

Cùng tháng này, địa phương còn có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Deawon (Hàn Quốc). Lãnh đạo Deawon đã đề xuất thực hiện Khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (diện tích 282,5 ha) tại xã Hương Thọ, TP Huế và thị xã Hương Trà.      

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.