Lazada đã đột ngột cho dừng việc kiểm tra hàng khi nhận.
Mới đây, sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada đã đăng một thông báo nói rằng: "Từ 15/3/2019, không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng".
Chính sách đồng kiểm là chính sách của các sàn thương mại điện tử cho phép người mua được quyền kiểm tra hàng hóa cùng nhân viên giao hàng trước khi quyết định có nhận hàng hay không.
Chính sách này nhằm bảo về quyền lợi của người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với quảng cáo của người bán. Hiện tại, trong ba sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam là Shopee, Tiki và Lazada thì chỉ có Tiki và Lazada có chính sách này.
Tuy nhiên, với thông báo trên, Lazada đã chính thức hủy bỏ chính sách đồng kiểm. Qua đó, người mua khi nhận hàng sẽ không được mở kiện hàng ra xem mà chỉ được kiểm tra các yếu tố bên ngoài của kiện hàng. Người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên vận chuyển.
Trước thông tin trên, nhiều khách hàng cho biết điều này khiến họ lo ngại khi mùa hàng trên các trang thương mại điện tử. Theo anh Nam, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Bãi bỏ chính sách này, vô hình chung các sàn giao dịch đang tiếp tay cho những nhà bán hàng giả, hàng nhái hoặc hàng không đúng như mô tả, lựa chọn của khách hàng".
Không ít người tỏ ra lo lắng với việc hủy bỏ chính sách đột ngột này của Lazada. Đồng quan điểm với anh Nam, bạn Hoàng Nga, 24 tuổi, một người thường xuyên mua hàng online cho biết: "Mình đã gặp rất nhiều các trường hợp quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo. Thế nên, rút kinh nghiệm, giờ khi lựa chọn mua đồ online mình cũng sẽ chọn chính sách đồng kiểm, đúng hàng mới giao tiền. Với việc bãi bỏ chính sách này của Lazada, mình sẽ phải lựa chọn một kênh mua khác vậy".
Tuy việc thay đổi chính sách này đã được thông báo trên ứng dụng di động và trên trang web chính thức của Lazada nhưng nhiều khách hàng không để ý, phải đến lúc nhận hàng, yêu cầu kiểm tra và bị nhân viên giao hàng từ chối thì mới biết.
Hiện tại, trên Lazada có hàng trăm nghìn gian hàng với đủ các loại mặt hàng "thượng vàng hạ cám" đi cùng các mức giá khác nhau với phổ giá rất rộng. Khách hàng sẽ rất khó khăn khi phân biệt được hàng giá rẻ do giảm giá khuyến mãi hay do chất lượng lởm, không đúng với quảng cáo.
Việc bãi bỏ một chính sách được cho là hay, tạo được lòng tin của khách hàng với trang thương mại được tử của Lazada bị nhiều khách hàng đánh giá là một bước đi lùi của trang này.
Chắc chắn việc hủy bỏ chế độ đồng kiểm sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua khi mua hàng.
Về phía người bán, nhiều người lại tỏ ra hào hứng với chính sách này của Lazada. (Ảnh: Đông A).
Khi chính sách đồng kiểm bị loại bỏ, chỉ còn một cơ chế để bảo vệ khách hàng đó là chính sách: "Đổi trả hàng".
Với chính sách này, người mua có quyền đổi trả hàng trong vòng từ 7-14 ngày sau ngày nhận hàng nếu sản phẩm nhận được không đúng như mô tả hoặc không đảm bảo chất lượng.
Tuy vậy, chính sách đổi trả trước giờ không được người mua mặn mà lắm bởi vì "thủ tục lằng nhằng, thời gian chờ đợi lâu, vừa tốn tiền, tốn công sức lại mất thời gian", anh Nam cho hay.
Chính sách đổi trả có nhược điểm là chỉ cho đổi trả tối đa hai lần trên cùng một sản phẩm, thời gian xử lí rất lâu, tùy thuộc vào tính chất, nguyên nhân đổi trả, giá trị sản phẩm...
Về phía người bán, nhiều người lại tỏ ra hào hứng với chính sách này của Lazada. Chị Nguyễn Nhung, một người chuyên bán hàng trên Lazada chia sẻ: "Mặc dù hàng tôi bán đúng chất lượng, đúng giá, đúng mô tả nhưng trước kia, với chính sách đồng kiểm, nhiều khách hàng đặt mua rồi không ưng ý nên không nhận hàng nữa, gây tốn kém rất nhiều cho người bán như chúng tôi, đặc biệt là các phí vận chuyển, kho bãi".
Các chuyên gia cho rằng, việc bảo vệ người mua trên các trang thương mại điện tử với chính sách đồng kiểm chỉ là cách làm tạm thời và không hiệu quả.
Để giảm tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các sàn cần có cơ chế ngăn chặn ngay từ khi người bán đăng hàng trên sàn. Thời gian qua, chiến lược thả lỏng các điều kiện đăng kí kinh doanh để tăng lượng người bán của một số sàn điện tử đã bị chính phủ "tuýt còi".
Điển hình là Shopee, với việc thả lỏng các điều kiện đăng kí kinh doanh, doanh nghiệp này đã thu hút rất nhiều người bán hàng trong thời gian qua và vươn lên mạnh mẽ trở thành sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thả lỏng này khiến tình trạng hàng cấm, hàng giả xuất hiện tràn lan buộc Shopee phải thay đổi chính sách này của mình.
Lazada cũng đã phải tăng cường chiến dịch hậu kiểm sau đăng kí gian hàng trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tăng cường ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hàng cấm.
"Vấn đề hàng kém chất lượng, giả và nhà bán hàng không đạt chuẩn, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng tôi tin rằng vấn đề sẽ được Lazada cải thiện", ông Max Zhang, giám đốc điều hành Lazada Việt Nam nói với tờ Nhịp cầu đầu tư.
Cũng trên Lazada, các hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm nếu phát hiện ra sẽ bị phạt rất nặng, trung bình từ 200 nghìn đến 10 triệu đồng tùy tính chất vụ việc.
Theo một nghiên cứu mới đây, mức độ hài lòng khi mua hàng của khách hàng trên Tiki là cao nhất với 46%, với Lazada và Shopee con số này chỉ dừng lại ở mức hơn 20%. Rõ ràng là trước mắt, chính sách giải quyết tận gốc của Lazada hay Shopee đã không tạo ra được hiệu quả và lòng tin của người mua như chính sách đồng kiểm mà Tiki vẫn đang kiên trì theo đuổi.