Để làm rõ hơn vấn đề nhiều nhà máy chế biến điều phải đóng cửa, người viết đã có buổi trao đổi với ông Trần Hữu Hậu, Ủy viên thường trực Hội đồng Thông tin Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS).
Hiện nay có thông tin giá điều thô cao hơn cả giá điều nhân. Điều này liệu có đang vô lí, thưa ông?
Tình hình hiện nay giá điều thô cao hơn điều nhân không phải giá tuyệt đối mà là giá tương đối, tức là giá qui đổi. Giá điều thô nhập về 1.000 USD/tấn. Trong khi đó, giá điều nhân hiện nay khoảng 2,6 USD/pound (tương đương khoảng 5.200 USD/tấn), tức nếu so giá tuyệt đối thì giá điều nhân vẫn cao hơn hẳn.
Người ta nói đến giá điều thô cao hơn giá điều nhân tức là giá qui đổi. Với lượng điều thô 4,2 - 5 kg điều thô mới được một kg điều nhân. Hiện nay, giá điều thô đang tăng trong khi giá điều nhân giảm.
Do đó, sau khi chế biến ra điều nhân, chi phí hiện nay đã vượt giá bán dẫn đến doanh nghiệp phải chịu thua lỗ.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến diễn biến giá trái chiều giữa điều nhân và điều thô hiện nay?
Có nhiều nguyên nhân giá điều thô tăng. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều thô từ châu Phi. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 việc nhập khẩu trở nên khó khăn hơn nên lượng hàng về ít.
Bên cạnh đó, ở bên Bờ Biển Ngà, Chính phủ đưa ra chính sách giá xuất khẩu tối thiểu. Thậm chí Chính phủ nước này còn tung tiền ra để mua hàng dẫn đến lượng lớn điều thô không thể về Việt Nam.
Sản lượng hạt điều thô toàn cầu năm 2020 giảm so với 2019 khoảng 21.000 tấn. Tổng nguồn cung hạt điều thô cho 2020 gồm lượng tồn cũ chuyển qua và lượng thu hoạch mới giảm 167.000 tấn so với 2019.
Theo Báo cáo của Văn phòng VINACAS, tổng hợp từ thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan thì 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 431.182 tấn điều thô, giảm 11% so với cùng kì.
Ở chiều ngược lại, giá điều nhân giảm do thị trường tiêu thụ giảm sút. Theo đó, giá điều nhân phụ thuộc nhiều đầu ra, những nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ gần đây giảm bớt số lượng mua vào.
Trước đó, giai đoạn tháng 1 và tháng 2 Việt Nam xuất khẩu nhiều điều nhân sang các thị trường lớn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, nhu cầu tích trữ hạt điều của của người dân lớn do đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, để được lâu.
Đặc biệt, một số nhà nhập khẩu châu Âu đã nhập rất nhiều ở Việt Nam để cung cấp ra thị trường.
Do đó, hiện nay tồn kho ở phía khách hàng đang rất lớn nên nhu cầu nhập thêm ít đi. Đầu ra của Việt Nam không tăng được nữa trong khi đó nhiều nhà máy trong nước thời gian qua ồ ạt sản xuất nên lượng tồn kho rất lớn.
Lượng điều nhân nhân còn lớn như vậy trong khi đầu ra giảm không mua nữa dẫn đến giá sụt xuống. Các nhà máy chấp nhận bán rẻ hơn một chút miễn sao thu được vốn nên áp lực bán ra rất lớn.
Như vậy, nguồn cung điều thô bớt đi trong khi nguồn hàng bán giá cũng giảm. Do đó, giá điều thô tăng, giá điều nhân giảm, chi phí sản xuất lớn và doanh nghiệp chịu lỗ.
Có thông tin hàng loạt nhà máy vừa và nhỏ phải đóng cửa trước tình trạng khó khăn hiện nay, xin ông làm rõ hơn vấn đề này?
Điều này là đúng nhưng hầu như phần lớn nhà máy công suất nhỏ. Hiện nay, cả nước có 3.000 nhà máy chế biến trong đó, nhà máy chế biến qui mô nhỏ chiếm 70 - 80% nhưng nếu qui rá tổng công suất thì không phải quá lớn.
Các loại nhà máy nhỏ này vốn ít nên chủ yếu sơ chế điều cho các nhà máy lớn. Đóng cửa là hầu hết nhầ máy nhỏ.
Một số doanh nghiệp phản ánh khách hàng của họ đang cố tình làm khó khăn hoặc hoãn giao hàng. Thực hư thông tin này thế nào, thưa ông?
Các khách hàng đến từ châu Âu, Mỹ hầu hết làm ăn nghiêm túc. Khi cá doanh nghiệp Việt Nam giảm giá bán để giải tỏa hàng tồn kho nên cố tình bán giá thấp để thu hồi vốn.
Trước đây họ kí hợp đồng kì hạn với giá cao 3,2 USD/lb nhưng hiện nay có doanh nghiệp bán với giá chỉ 2,6 - 2,8 USD/lb. Điều này khiến khách hàng nghi ngờ rằng doanh nghiệp Việt Nam mua điều thô chất lượng thấp để bán giá rẻ. Do đó, khách hàng siết chặt kiểm tra chất lượng.
Ngoài ra, có một thực trạng khác là khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng do lượng tồn kho lớn, nếu nhập về sẽ làm gia tăng chi phí lưu kho. Về vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận phải gánh thêm chi phí lưu kho cho khách hàng.
Hiệp hội đưa ra dự báo thế nào về sự phục hồi thị trường trong thời gian tới?
Tình hình phục hồi sẽ khó đoán định phụ thuộc vào tình hình khắc phục dịch COVID-19. Không ai có thể lường trước được nhu cầu ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ thời gian tới là bao nhiêu.
Trong tháng 5, tháng 6, xuất khẩu điều giảm sút, chủ yếu là các đơn hàng từ hợp đồng cũ. Lượng kí hợp đồng mới không nhiều lắm, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn mới kí được hợp đồng với giá tương đối tốt. Về cơ bản, thị trường tương đối trầm lắng.