Ngày 11/12, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM - cho biết vừa kháng nghị toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận 3. Kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, là Công ty TNHH Thành Bưởi.
Theo án sơ thẩm, cuối năm 2016, Công ty Thành Bưởi và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM (viết tắt là VBI) kí 3 hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Đối tượng được bảo hiểm là ôtô khách và thời hạn bảo hiểm cuối cùng đến chiều 27/6/2017.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng, ôtô BKS 51B-207.48 do tài xế Nguyễn Long Hưng điều khiển đã gây liên tiếp 4 vụ tai nạn vào các ngày 31/7/2016; 8/3, 19/3 và 26/3/2017. Riêng vụ tai nạn ngày 26/3/2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương và ông Hưng đã bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi xảy ra 4 vụ tai nạn, công ty bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường, Công ty Thành Bưởi khởi kiện yêu cầu bồi thường hơn 1,7 tỉ đồng, và tại tòa yêu cầu bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng. Lí do phía bảo hiểm từ chối bồi thường là do ông Nguyễn Long Hưng sinh năm 1961, sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) mang tên mình nhưng sinh năm 1964, là không phù hợp, thuộc vào điểm loại trừ bảo hiểm tại Thông tư 22/2016/TT-BCT và điểm loại trừ của Quy tắc Bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới.
Quyết định kháng nghị của VKSND quận 3, TP HCM đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm.
Theo VBI, trong thời hạn bảo hiểm, các ôtô của Công ty Thành Bưởi thường xuyên bị tổn thất và đã được giải quyết bồi thường. Đối với xe do ông Hưng cầm lái đã xảy ra tổn thất 4 lần, và ông Hưng khai rằng ông đã xin đổi GPLX hạng E và chỉnh sửa thông tin từ sinh năm 1961 thành 1964.
Sau khi nhận được công văn của VBI xác minh thông tin GPLX của ông Hưng, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng phúc đáp rằng: "Ngày 17/4/2017 đã ban hành quyết định thu hồi GPLX của ông Hưng, và đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xóa dữ liệu GPLX của ông Hưng. Vì vậy, GPLX của ông Hưng không có giá trị sử dụng".
Theo VBI, việc ông Hưng chỉnh sửa thông tin trong hồ sơ xin chuyển đổi GPLX là hành vi làm giả hồ sơ. Cũng theo công văn của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, do ông Nguyễn Long Hưng đã cố tình gian dối trong quá trình đổi GPLX, nên trước thời điểm thu hồi GPLX (sau ngày 19/4/2016), GPLX không có giá trị sử dụng.
Hiệu lực GPLX gần nhất của ông Hưng trước khi chuyển đổi là ngày 19/4/2016.
Tại phiên tòa, phía VBI nói rằng vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông Hưng đã trên 55 tuổi nhưng sử dụng GPLX dưới 55 tuổi là không phù hợp, nên giữ nguyên quan điểm từ chối bồi thường.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND quận 3 cho rằng tại thời điểm gây tai nạn (ngày 26/3/2017), ông Hưng đã 56 tuổi 11 tháng, đây là tuổi ghi trên CMND do Công an tỉnh Lâm Đồng cấp.
Tại thời điểm điều khiển xe gây tai nạn, ông Hưng không có GPLX hợp lệ, do đó thuộc trường hợp điều khoản loại trừ bảo hiểm, nên yêu cầu bồi thường của Công ty Thành Bưởi là không có cơ sở chấp nhận. Ngoài ra, do ông Hưng có hành vi gian dối để được cấp GPLX hạng E, nhằm xin việc tại Công ty Thành Bưởi nên Công ty Thành Bưởi có quyền yêu cầu ông Hưng bồi thường trong 4 vụ tai nạn do ông Hưng điều khiển xe, trong một vụ án khác nếu công ty có yêu cầu.
Tuy nhiên, TAND quận 3 nhận định GPLX của ông Hưng được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cấp và có số phôi GPLX trùng với số phôi trong hệ thống thông tin quản lí GPLX, nên có cơ sở xác định là GPLX hợp lệ. Do đó, GPLX này có giá trị pháp lí và là một trong những giấy tờ bắt buộc mà người điều khiển xe phải mang theo.
Cũng theo TAND quận 3, việc ông Hưng có hành vi gian dối là tẩy xóa, thay đổi năm sinh để được cấp lại GPLX nên Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng phải thu hồi, nhưng không ghi thời điểm trước khi thu hồi thì hiệu lực pháp lí của GPLX như thế nào.
TAND quận 3 nhận định có cơ sở xác định trước ngày bị thu hồi thì GPLX của ông Hưng không bị văn bản hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi hoặc cho rằng không có giá trị sử dụng nên có giá trị pháp lý tại thời điểm xảy ra 4 vụ tai nạn. Từ những phân tích này, HĐXX TAND quận 3 đã chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Công ty Thành Bưởi, buộc VBI chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm là 1,535 tỉ đồng.
Sau khi bản án được tuyên, Viện trưởng VKSND quận 3 đã kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Một trong những điểm đáng chú ý của kháng nghị đó là Công văn số 657/SGTVT-PL&NL ngày 31/5/2018 của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, xác định: "Hiệu lực GPLX gần nhất của ông Hưng trước khi đổi sang GPLX là ngày 19/4/2016 cấp ngày 11/6/2013, hạng E".
Như vậy, tính từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn đầu tiên thì ông Hưng đã 55 tuổi 3 tháng 12 ngày, vượt quá 3 tháng 12 ngày để được cấp GPLX hạng E theo luật định. Mặt khác, trong quá trình thực hiện 3 hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới, Công ty Thành Bưởi giao xe cho ông Hưng là do bị lừa dối nên phần bảo hiểm đối với xe giao cho ông Hưng điều khiển, gây tai nạn không phát sinh hiệu lực. Do đó, VBI không có trách nhiệm phải bồi thường.
Tài xế phải chịu trách nhiệm
Về vấn đề này, theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), các cơ quan chức năng cần xem xét lại tính hợp lí của văn bản do Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cung cấp.
"Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã xác định tại thời điểm xảy ra tai nạn thì tuổi thật và tuổi trên bằng lái không đúng, mặc dù bằng và phôi là bằng thật cho nên ông Hưng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Thành Bưởi vì những hành vi gian dối của mình gây ra", luật sư Toàn lập luận.