Lo ngại người Trung Quốc 'lách luật' chi phối đất ven biển Đà Nẵng

Những lô đất ven biển Đà Nẵng vẫn do người Việt đứng tên nhưng thực tế quyền chi phối lại thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến người Trung Quốc.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng mới đây, nhiều cử tri lo ngại về việc người Trung Quốc "núp bóng" doanh nghiệp chi phối, sử dụng 21 lô đất gần sân bay Nước Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn.

Khẳng định không có cá nhân người Trung Quốc đứng tên trên sổ đỏ, tuy nhiên Sở Tài Nguyên - Môi trường Đà Nẵng xác nhận có 2 doanh nghiệp có người nước ngoài tham gia góp vốn được thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước.

Góp vốn để 'nắm' đất sát sân bay quân sự

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở vệt ven biển Đà Nẵng có 246 lô đất. Trước đây, UBND Đà Nẵng bán đấu giá và giao đất cho cá nhân, tổ chức trong nước.

Khoảng 7 năm trước, giá đất ở ven biển Đà Nẵng dao động mức 15-20 triệu/m2. Tuy nhiên, theo giá thị trường hiện nay, những khu đất ở vị trí “kim cương” này có giá hơn 200 triệu đồng/m2.

Lo ngại người Trung Quốc 'lách luật' chi phối đất ven biển Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bản đồ địa chính thể hiện vị trí các lô đất liên quan đến người Trung Quốc (đánh dấu vàng) chỉ cách sân bay Nước Mặn khoảng 2 m. (Ảnh: Đoàn Nguyên).

Khi giá bất động sản tăng cao, một số người đã sử dụng bất động sản để góp vốn vào các công ty có cổ đông nước ngoài. Trong số 246 lô đất ven biển đã có 21 mảnh được xác định liên quan đến yếu tố người nước ngoài bằng các hình thức khác nhau.

Thông tin từ Sở Tài Nguyên - Môi trường Đà Nẵng cho thấy từ 2013 đến 2015, nhiều tập thể, cá nhân người Việt chuyển nhượng quyền sử dụng 20 lô đất dọc tường sân bay Nước Mặn cho Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và dịch vụ V.N. Holiday (Công ty Holiday).

Đây là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% từ cá nhân Li Ji Nan (quốc tịch Trung Quốc).

Một lô đất khác có diện tích 20 ha tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cũng được UBND TP Đà Nẵng cho Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt thuê trong thời gian 50 năm.

Doanh nghiệp này do Công ty cổ phần Hoàng Đạt góp vốn 10%, 90% còn lại thuộc về Công ty TNHH Siver Shoes (có trụ sở tại Mỹ, do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện). UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp này từ tháng 3/2007.

Lách luật?

Lãnh đạo Sở Tài Nguyên - Môi trường Đà Nẵng khẳng định địa phương không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, trong số 246 lô đất ven biển có 21 mảnh đất liên quan đến người Trung Quốc.

Đánh giá về 21 lô đất này, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng người Trung Quốc đang 'lách luật" để có quyền định đoạt những khu đất đắc địa ven biển.

Lo ngại người Trung Quốc 'lách luật' chi phối đất ven biển Đà Nẵng - Ảnh 2.

Vệt đất sát sân bay Nước Mặn. (Ảnh: Đoàn Nguyên).

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Một số tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam nhưng bị giới hạn là căn hộ chung cư hoặc nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán cho người nước ngoài.

Thực tế có tình trạng người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt Nam mua đất. Sau đó, người này góp vốn vào doanh nghiệp có cổ phần của người Trung Quốc. "Sau đó, người được nhờ mua đất chuyển nhượng hết vốn góp cho người Trung Quốc. Đây là một hình thức lách luật mà chúng ta cũng cần lưu ý", luật sư Cao nói.

Lo ngại người Trung Quốc 'lách luật' chi phối đất ven biển Đà Nẵng - Ảnh 3.

Khu nhà để tàu bay tại sân bay Nước Mặn nhìn từ phía đường Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Đ.Nguyên).

Theo luật sư, quyền sử dụng đất trong trường hợp này vẫn do người Việt đứng tên nhưng thực chất quyền chi phối, định đoạt lại thuộc về doanh nghiệp. "Nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp đó do người Trung Quốc đứng tên trên lãnh thổ Việt Nam", luật sư khuyến cáo.

Người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên mua đất nếu bị phát hiện thì các giao dịch nhờ đứng tên sẽ bị vô hiệu.

"Nhưng với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn", luật sư Lê Cao cho rằng cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát để tránh trường hợp các doanh nghiệp sử dụng các lô đất trên vì mục đích phi pháp.

Phải sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng

Trong một lần trả lời phỏng vấn Zing.vn, thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, cho rằng chính quyền Đà Nẵng không nên bán đất ở tuyến đường ven biển cho bất cứ cá nhân nào.

Theo thiếu tướng Hùng, toàn bộ tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp có vị trí đặc biệt quan trọng, như một thành lũy bảo vệ thành phố.

"Chính vì tầm quan trọng như trên nên khi còn làm Phó tư lệnh Quân khu 5, tôi đã nhiều lần có ý kiến là toàn bộ đường ven biển nhạy cảm chỉ được sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng", thiếu tướng Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cũng cho rằng việc người Trung Quốc sử dụng các lô đất ngay sát sân bay Nước Mặn là rất bất lợi đối với an ninh quốc phòng.

“Chúng ta không biết những người Trung Quốc góp vốn làm ăn kinh doanh thật hay có gì đằng sau, như thế rất bất lợi. Cơ quan chức năng nên thu hồi luôn sổ đỏ của những người Việt Nam tiếp tay cho họ”, ông Loan nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.