Loạt dự án cao tốc, metro, đường sắt tỷ USD kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025

Nhiều dự án đường sắt đô thị metro, cao tốc hay các đường vành đai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký quyết định ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn từ nay đến năm 2025 thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Về hạ tầng giao thông có tổng cộng 34 dự án, trong số này xuất hiện nhiều dự án có tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Loạt dự án cao tốc, metro, đường sắt tỷ USD kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị số 4 dài 36,2 km với tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD sẽ đi qua 8 quận, huyện của TP HCM. (Ảnh minh họa: Khải An).

Tại TP HCM có ba dự án đường sắt đô thị (metro) gồm metro số 4, số 3a và số 2 – giai đoạn 2, nguồn vốn đầu tư ODA theo hình thức PPP.

Trong đó, tuyến metro số 4 dài 36,2 km có hướng tuyến Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp- Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản-Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, TP HCM.

Tổng mức đầu tư dự án 4,57 tỷ USD. Đây là tuyến metro vận chuyển hành khách xuyên tâm dọc theo các khu dân đông đúc nhất TP HCM qua khu vực Bến Thành theo trục Bắc - Nam.

Tuyến metro số 3a dài gần 20 km, tổng vốn đầu tư 1,82 tỷ USD, có hướng tuyến Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng Kinh Dương Vương - depot Tân Kiên - ga Tân Kiên.

Còn metro số 2 – gia đoạn 2 có chiều dài 9,1 km gồm đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Bến xe Tây Ninh. Tổng mức đầu tư dự án là 1,482 tỷ USD.

Các đường vành đai có ba dự án gồm đường vành đai 3 TP (đoạn Bình Chuẩn - QL22 – Bến Lức) dài 48 km với thiết kế 6 làn xe, vốn đầu tư 863 triệu USD; vành đai 4 qua tỉnh Long An dài 32,5 km, 8 làn xe đi qua ba huyện Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, vốn đầu tư 586 triệu USD; dự án đường vành đai 5 qua tỉnh Hòa Bình với thiết kế 4 làn xe, dài 35,4 km, tổng vốn đầu tư 340 triệu USD.

Danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài còn có nhiều dự án đường cao tốc như cao tốc quốc lộ 19 đoạn từ ngã 3 cầu Bà Di đến TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; 140 km cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương) 1,32 tỷ USD; 113 km cao tốc Buôn Mê Thuột – Nha Trang hơn 1,23 tỷ USD với thiết kế 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 km.

Dự án đường bộ 4 làn xe cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn Châu Đốc - Cần Thơ) dự kiến phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 dài 200 km, tổng vốn đầu tư 869 triệu USD.

Các dự án đường bộ khác có thể kể đến như đường tỉnh 827E dài 34 km với 10 làn xe, đi qua địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An, tổng vốn đầu tư 760 triệu USD hay dự án đường kết nối giữa khu du lịch Hồ Hòa Bình đến Khu du lịch Đồng Tâm, Khu du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam có thiết kế 76 km đường cao tốc với 4 làn xe. Dự án có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD.

Nhiều dự án đường sắt cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2025 như đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất 2,977 tỷ USD; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng vốn hai giai đoạn gần 2,5 tỷ USD; Đường sắt Mụ Gia - Vũng Áng kết nối với Lào có vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; đường sắt Dĩ An - Hoa Lư 1,4 tỷ USD; đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng 1,4 tỷ USD; đường sắt Chơn Thành -Đăk Nông 715 triệu USD.

Dự án đường sắt vành đai phía Đông, Hà Nội: Ngọc Hồi - Lạc Đạo dài hơn 25 km với vốn đầu tư 335 triệu USD.

Dự án làm mới 37,35 km đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm kết nối hành khách giữa trung tâm TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành và ngược lại có vốn đầu tư 174 triệu USD.

Với lĩnh vực hạ tầng cảng biển có các dự án như Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai tại Cà Mau, 3,5 tỷ USD, có thể đón tàu có tải trọng đến 250.000 DWT; Cảng biển nước sâu Trần Đề 2,2 tỷ USD tại Sóc Trăng; Bến tàu du lịch cảng Chân Mây và khu hậu cần bến cảng phục vụ khách du lịch 1 tỷ USD tại Thừa Thiên Huế; Cảng nước sâu KKT Định An 1 tỷ USD tại Trà Vinh; Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - giai đoạn 1 tại Khánh Hòa với vốn đầu tư 500 triệu USD; Bến cảng phía Bắc cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa; Bến cảng tổng hợp tại hòn Con Ong, Quảng Ninh,...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.