Loạt tỉnh thành tạm dừng tách thửa đất, siết phân lô bán nền

Trước tình trạng phân lô, tách thửa diễn biến phức tạp, thậm chí tự ý mở đường giao thông trên đất nông nghiệp, nhiều địa phương đã quyết định tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục liên quan đến việc chia tách thửa đất trên địa bàn.

Trong thời gian UBND TP Hà Nội chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu... Sở TN&MT ra văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Các địa phương chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định.

Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 năm nay đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tương tự, ngày 22/3, Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã ký ban hành công văn hỏa tốc đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố tạm dừng tách thửa đất, kể cả với những hồ sơ đã tiếp nhận làm trích đo, trích lục bản đồ để tách thửa.

Các trường hợp tạm dừng thủ tục tách thửa: Thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông; thửa đất tiếp giáp đường giao thông có diện tích tách thửa tối thiểu dưới 2.000 m2 đối với phường và dưới 3.000 m2 đối với hai xã Tân Thành, Tiến Hưng (bao gồm cả thửa đất tách ra và thửa đất còn lại; một thửa đất chỉ tách một lần không tách tiếp từ thửa đã tách).

Đặc biệt, UBND TP Đồng Xoài chỉ đạo không thực hiện tách thửa đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Công văn này nêu rõ, thời gian qua trên địa bàn TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tái bùng phát nhiều trường hợp tự cưa cắt cây cao su và các cây trồng khác trên đất, san ủi mặt bằng, mở đường làm đường giao thông khi chưa được cho phép, phân chia thửa đất nông nghiệp thành nhiều thửa đất nhỏ rồi quảng cáo thành các dự án khu dân cư để rao bán trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều khu vực đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng vẫn được tách thửa, phá vỡ quy hoạch chung của thành phố.

Nhiều địa phương tạm dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp để chờ quy định - Ảnh 1.

Từ tháng 6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn đến khi có ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND tỉnh. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Trước đó, tại Bắc Giang, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản giao Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp.

Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng cần chấn chỉnh các chủ đầu tư tại nhiều khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành văn bản bổ sung yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân.

UBND tỉnh này yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tạm dừng việc tách thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Vân Đồn cho đến khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn… được phê duyệt. Tuy nhiên, việc tách thửa, chuyển mục đích sử đụng dất tại đây hoạt động trở lại từ 17/3.

Trước đó nhiều tháng, nhiều địa phương cũng từng tạm dừng tách thửa đất do tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông.

Đơn cử như tại Lâm Đồng, sau nhiều phản ánh về việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định, ngày 21/1, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Việc tạm dừng đã được thực hiện cho đến ngày 1/3/2022. 

Phú Quốc, Kiên Giang cũng là địa phương từng nhiều lần "ra lệnh" dừng phân lô, tách thửa do xảy ra tình trạng ào ạt tách thửa, đầu cơ gây sốt đất, tăng giá đột biến rồi lại gỡ bỏ. Gần đây nhất, vào tháng 8/2021, tỉnh Kiên Giang đã ra quy định mới về việc tách thửa, trong đó, đất trồng cây lâu năm diện tích tối thiểu được tách thửa ở khu vực đô thị thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 300 m2; khu vực nông thôn (xã) là 500 m2.

Tương tự, Bình Thuận cũng có thời gian tạm ngưng phân lô tách thửa để kìm hãm cơn sốt của thị trường bất động sản. Tới tháng 8/2021, tỉnh này ban hành quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.