'Lời hứa' mua gấp đôi hàng Mỹ của Trung Quốc bị nghi ngờ

Trong gần 20 năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Mỹ chưa bao giờ đạt được kim ngạch khổng lồ như kế hoạch trong hiệp định lần này.

Hiệp định thương mại sơ bộ mà Mỹ và Trung Quốc đạt được vào tuần trước có thể mang lợi ích cho nông dân Mỹ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, giới nhà nông nước này vẫn hoài nghi về mục tiêu đầy tham vọng của ông Trump.

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường mua nông sản lên ít nhất 40 tỉ USD và có thể lên tới 50 tỉ USD mỗi năm, trong hai năm tới. Điều này có nghĩa, kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi so với trước cuộc chiến thương mại.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã phát đi thông điệp rằng thỏa thuận sẽ "hỗ trợ cho việc mở rộng mạnh mẽ xuất khẩu thực phẩm, nông nghiệp và hải sản của Mỹ". 

Tuy nhiên, không phải ai cũng phấn khởi.

"Họ cần thịt heo Mỹ, họ cần đậu tương Mỹ. Họ có cần 50 tỉ USD hàng nông sản không? Hoàn toàn không", Dave Marshall, Cố vấn tiếp thị nông nghiệp của First Choice Commodities nói.

'Lời hứa' mua gấp đôi hàng Mỹ của Trung Quốc bị nghi ngờ - Ảnh 1.

Một đồng bắp tại Grand Mound, Iowa. (Ảnh: Reuters).

Một lí do khác cho sự hoài nghi, là thỏa thuận chính thức bằng văn bản chưa được hai nước kí. Nó vẫn còn ở dạng dự thảo và đang được xem xét.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuần trước, các quan chức chính phủ cho biết Trung Quốc đã đồng ý đẩy mạnh mua hàng nông sản Mỹ, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Truyền thông nhà nước ở Trung Quốc không đề cập đến các mục tiêu kim ngạch cụ thể như công bố từ phía Mỹ.

"Tôi rất hi vọng. Nhưng đến khi thấy được văn bản đồng ý được xác nhận thì tôi mới an tâm", Dan Nerud, một nông dân có hơn 1.200 ha bắp và đậu tương ở Dorchester, Nebraska nói.

Sản lượng thịt heo của Trung Quốc đã giảm mạnh bởi dịch tả heo châu Phi. Nguồn cung trong nước không thể phục vụ đủ 1,4 tỉ dân. Tuy nhiên, vẫn còn nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể tăng quy mô mua nông sản Mỹ vượt bậc so với mức kim ngạch khoảng 10 tỉ USD một năm hiện tại.

Thậm chí, trong lịch sử gần hai thập kỷ, Mỹ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập WTO, chưa bao giờ kim ngạch có thể đạt được như mức dự kiến trong thỏa thuận lần này. Kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc cao nhất từng đạt được là gần 25 tỉ USD vào năm 2013 và 2014.

Các nhà phân tích nói rằng lí do chính khiến xuất khẩu nông sản từng đạt mức cao như vậy là do giá hàng hóa cao hơn. Trong năm 2013, giá đậu tương được giao dịch ở mức cao hơn 30% so với mức đóng cửa hôm thứ ba. Giá ngô và lúa mì hợp đồng tương lai cao hơn khoảng 100% trong năm 2013 so với bây giờ.

Một cách mà Mỹ có thể đạt được mục tiêu của mình là mở rộng doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp khác. Thỏa thuận sơ bộ cũng sẽ dỡ bỏ các rào cản đối với phụ gia thức ăn chăn nuôi và công nghệ sinh học nông nghiệp, vốn đã ngăn cản nông dân Mỹ khai thác triệt để thị trường Trung Quốc, theo USTR.

Kế hoạch thật sự đã chuyển biến. Vào tháng 11, Trung Quốc cho phép nhập gia cầm Mỹ lần đầu sau 4 năm, một động thái mà ngành công nghiệp ước tính có thể mang về thêm hơn 2 tỉ USD doanh thu. Mỹ cho biết các loại thịt, hải sản, gạo, sữa, và thức ăn cho thú cưng... sẽ được tiếp cận vào thị trường Trung Quốc.

Nhưng không thật sự rõ ràng rằng với cách nào để kim ngạch hàng nông sản có thể tăng lên nhanh chóng đến mức 40 - 50 tỉ USD một năm. Vì kế hoạch chi tiết không được nêu nên các nhà phân tích vẫn hoài nghi. 

"Kiếm được 40 USD là khá căng", Ryland Maltsbarger, Phó Giám đốc phụ trách giá cả và mua bán nông sản tại IHS Markit bình luận.

Nhưng bán thêm nông sản cũng còn có thể xem là việc dễ, theo Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Phía Mỹ nói rằng, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm tổng hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỉ USD trong hai năm tới như một phần của thỏa thuận giai đoạn một.

Trung Quốc đã nhập khoảng 186 tỉ USD dịch vụ từ Mỹ vào năm 2017, một năm trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Ông Derek Scissors tính toán rằng, thay vì thêm 100 tỉ USD mỗi năm, kịch bản xuất sang Trung Quốc có thể tăng từ mốc 186 tỉ USD lên 246 tỉ USD vào năm tới, và 326 tỉ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 30% trong hai năm liên tiếp. Đó cũng sẽ là kim ngạch chưa từng có của Mỹ với Trung Quốc.

Sau nông nghiệp, xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc là máy bay dân sự, nhưng sẽ bị ảnh hưởng doanh số một thời gian bởi sự cố của Boeing 737 MAX.

Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được kịch bản này và kể cả có được đơn hàng máy bay khổng lồ thì Mỹ vẫn thiếu đâu đó 130 - 140 tỉ USD kim ngạch theo mục tiêu. "Những thứ khác có quy mô xuất khẩu khá nhỏ", ông Derek Scissors nhận định.

Chris Rogers, Nhà phân tích nghiên cứu của Panjiva, đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence cho biết, về mặt lí thuyết, có thể đạt được mục tiêu bằng cách đẩy 100% lượng đậu tương, dầu và khí đốt mà Mỹ đã xuất khẩu sang tất cả thị trường trong 12 tháng qua sang hết Trung Quốc.

Nói cách khác, theo ông thì cách duy nhất để đạt được mục tiêu là chuyển hướng một lượng lớn hàng hóa mà Mỹ xuất đi nơi khác vào Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng phải có động thái tương tự, là chuyển đáng kể nguồn cung nơi khác thành Mỹ. Điều đó sẽ làm các nước khiếu nại.

Ngoài ra, bởi vì các mục tiêu được chỉ định trong khung thời gian là 2 năm, nên không rõ liệu Trung Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận sau cuộc bầu cử của Mỹ năm tới. 

"Tôi có thể đồng ý mua 40 tỉ USD hàng hoá, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ làm", Tomm Pfitzenmaier, Nhà sáng lập kiêm đối tác của Summit Commodity Brokerage tại Des Moines (Iowa), bình luận.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.