Giải trình về kết quả kinh doanh quý II giảm mạnh so với cùng kì năm trước, Masan Group cho biết nguyên nhân là trong quý trước, công ty có khoản thu nhập tài chính một lần trị giá 1.472 tỉ đồng tại Techcombank, đến từ việc Techcombank phát hành cổ phiếu quỹ. Vì vậy, nếu loại trừ khoản thu nhập tài chính một lần này tại Techcombank, lợi nhuận thuần trong quý II/2019 sẽ tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Công ty CP Tập đoàn Masan vừa công bố, cho thấy doanh thu thuần của Masan không thay đổi nhiều so với cùng kì năm ngoái, đạt 9.250 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp lần lượt đạt 956 tỉ và 485 tỉ đồng, tương đương với cùng kì năm trước thì doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh.
Lãi quý II/2019 của Masan giảm một nửa so với năm ngoái. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Cụ thể, nếu như quý II/2018, hoạt động tài chính từ việc phát hành cổ phiếu quỹ tại công ty liên kết giúp Masan thu 1.547 tỉ đồng thì quý II/2019, doanh thu từ mảng này của Masan chỉ còn lại vỏn vẹn 86 tỉ đồng, giảm đến 94%, do không có khoản thu nhập từ công ty liên kết như năm ngoái.
Ngoài ra, lãi từ các công ty liên kết có tăng nhẹ 12%, giúp Masan thu về được 553 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II của doanh nghiệp tỉ phú Nguyễn Đăng Quang chỉ đạt 1.275 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái là 2.535 tỉ đồng. Với kết quả này, lợi nhuận của Masan đã giảm đến 1.260 tỉ đồng, còn một nửa so với cùng kì năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Masan đạt 18.099 tỉ đồng, tương đương con số doanh thu 6 tháng đầu năm 2018. Như phân tích ở trên, các kết quả kinh doanh của Masan không nhiều biến động, nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh khiến lợi nhuận của Masan đã giảm đi đáng kể.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Masan đạt 2.416 tỉ đồng. Trong khi cùng kì năm 2018 là 3.707 tỉ đồng, giảm đến 1.291 tỉ đồng, tương ứng 35%.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Masan còn lãi sau thuế 2.191 tỉ đồng, tương ứng mức giảm 36% so với cùng kì năm ngoái.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Masan cũng tiết lộ tình hình kinh doanh của từng nhóm công ty con chuyên về thực phẩm - đồ uống, thịt và khai thác khoáng sản.
Doanh thu thuần của Masan không thay đổi nhiều so với cùng kì năm ngoái, đạt 9.250 tỉ đồng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của Masan Consumer chuyên về thực phẩm và Masan MEATLife chuyên về thịt lần lượt đạt 7.979 tỉ và 6.741 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% và 1%. Trong khi đó, Masan Resources chuyên về khai thác khoáng sản lại giảm 17% doanh thu so với cùng kì năm ngoái, đạt 2.960 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Masan đặt nhiều kì vọng vào cả 3 mảng kinh doanh này và tự tin sẽ có những tăng trưởng ấn tượng hơn vào nửa cuối năm 2019, khi doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thực phẩm chất lượng cao, ngành hàng thịt cũng sẽ tiếp cận người tiêu dùng TP HCM. Ngoài ra, thị trường vonfram sẽ phục hồi nửa cuối năm.
Năm 2019, Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ đạt từ 5.000-5.500 tỉ đồng, tương ứng mức tăng từ 44-58% so với năm 2018.
Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Masan Group chỉ mới hoàn thành 43% kế hoạch cho mục tiêu 5.000 tỉ lợi nhuận sau thuế.
Tuần trước, Masan đã đổi tên Masan Nutri Science thành Masan MEATLife với nội dung chú trọng vào kinh doanh thịt heo. Doanh nghiệp nhân định thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỉ USD.
Masan dự kiến đạt doanh thu từ thịt ở mức 500 – 1.000 tỉ đồng trong năm 2019, với hơn 500 điểm bán cả nước. Đến năm 2022, doanh thu từ kinh doanh thịt và sản phẩm thịt heo sẽ đạt 2 tỉ USD, lợi nhuận 200 - 250 triệu USD. Các sản phẩm thịt sẽ đóng góp 50 - 70% doanh thu của công ty ở giai đoạn này.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đưa ra tham vọng sẽ chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo cả nước. Hiện Masan đã có hơn 125 điểm bán tại Hà Nội, từ tháng 9/2019 sẽ giới thiệu sản phẩm tại TP HCM.