Lotte từng tuyên bố sẽ giành 20% thị phần thương mại điện tử Việt Nam, vì sao mới ra mắt 3 năm đã bất ngờ đóng cửa?

"Không kèn, không trống" quảng cáo, hàng hoá bán chủ yếu là của siêu thị Lotte Mart, sàn thương mại điện tử Lotte.vn của đại gia bán lẻ Hàn Quốc dù đặt nhiều kì vọng tại Việt Nam, muốn giành đến 20% thị phần, nhưng cuối cùng phải nói lời chia tay thị trường thương mại điện tử vốn đang là sân chơi không dành cho kẻ thiếu chiêu trò.

Sau khi nhiều đối tác cung cấp hàng hoá cho trang thương mại điện tử Lotte.vn cho biết trang này sẽ ngừng hoạt động vào ngày 20/2/2020, sáng 25/12, trao đổi với báo chí, đại diện Lotte Mart xác nhận thông tin trên. Phía Lotte cho biết việc đóng sàn thương mại điện tử là do thay đổi kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Lotte Mart sẽ tiếp nhận Lotte.vn, sáp nhập vào Speedl.vn - một trang thương mại điện tử cũng thuộc Lotte Mart. Việc sáp nhập này phù hợp xu thế kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến.

Như vậy, sau Adayroi đóng cửa, "ông lớn" bán lẻ đến từ Hàn Quốc này cũng sẽ khai tử sàn thương mại điện tử Lotte.vn. Đáng chú ý, trang Lotte.vn đã hoạt động từ rất sớm, tuy nhiên, dấu ấn của sàn này lại mờ nhạt trong cuộc chiến vốn được xem là rất khốc liệt của thương mại điện tử. 

Tuyên bố giành 20% thị phần thương mại điện tử rồi đột ngột đóng cửa

Cuối tháng 10/2016, Công ty Vietnam E-commerce, là công ty con phụ trách mảng thương mại điện tử trực thuộc Tập đoàn Lotte, công bố ra mắt trang mua sắm trực tuyến mang tên Lotte.vn, chính thức tham gia vào mảng kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. 

Lotte tuyên bố giành 20% thị phần thương mại điện tử nhưng mờ nhạt, hụt hơi so với Lazada, Shopee… trước khi đóng cửa - Ảnh 1.

Giao diện trang thương mại điện Lotte.vn khá buồn tẻ. (Ảnh chụp màn hình).

Lotte Mart hoạt động tại Việt Nam là công ty trực thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Và "ông lớn" này quyết định mở thêm kênh bán hàng trực tuyến sau 8 năm gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tính ra, Lotte.vn ra mắt chỉ chậm 1 năm so với sàn thương mại điện tử Adayroi của Tập đoàn Vingroup. 

Thời điểm đó, thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã có nhiều tay chơi, gồm các ông lớn bán lẻ đi làm thương mại điện tử, như Vingroup với Adayroi, BigC có Cdiscount và những tay chơi chuyên về thương mại điện tử như Lazada, Tiki…

"Là trang thương mại điện tử ra đời sau những ông lớn khác, chúng tôi hiểu rõ thế mạnh của mình là hệ thống phân phối sản phẩm chất lượng khép kín, với tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cao nhất từ Lotte Mart, Lotte Department Store và hàng nghìn nhà cung cấp đã qua kiểm định khác trên toàn Việt Nam", Tổng giám đốc sàn Lotte.vn - ông Seo Tae Ho, khẳng định tại thời điểm ra mắt.

Thậm chí, ông cũng tuyên bố, giá sản phẩm trên sàn sẽ được niêm yết ngang hoặc rẻ hơn đối thủ, và có những khuyến mãi độc quyền nhờ mua hàng số lượng lớn từ nhà cung cấp. Lotte cũng tự tin là nhà bán lẻ hiện đại, "nhạy" với công nghệ. Bởi không chỉ bán trên website mà còn có ứng dụng với tính năng đăng nhập bằng vân tay, nhằm tạo sự khác biệt.

Lãnh đạo Lotte tự tin sẽ giành được 20% thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam, dù đây được xem là một "miếng bánh" không dễ ăn, và Lotte là một tay chơi mới.

Lotte.vn hầu như chỉ bán hàng của Lotte Mart, một trong những lí do khó hút khách

Tương tự các "ông lớn" bán lẻ khác bước chân vào thương mại điện tử, ngay từ đầu, chiến lược của Lotte.vn là cung cấp 100% sản phẩm trong hệ thống bán lẻ Lotte Mart. Bên cạnh mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, những sản phẩm được cho là thế mạnh của sàn thương mại điện tử này là thời trang và mĩ phẩm cao cấp. 

Lotte tuyên bố giành 20% thị phần thương mại điện tử nhưng mờ nhạt, hụt hơi so với Lazada, Shopee… trước khi đóng cửa - Ảnh 2.

Lotte.vn chủ yếu bán các sản phẩm của hệ thống siêu thị Lotte Mart. (Ảnh: Lotte Mart).

Sau 3 năm hoạt động, chiến lược của Lotte hầu như không có nhiều thay đổi. 

Hiện khách hàng đi siêu thị trực tuyến trên website Lotte.vn hay ứng dụng mua hàng của Lotte, người tiêu dùng cũng chỉ bắt gặp những sản phẩm quen thuộc được bán tại hệ thống Lotte Mart. Các sản phẩm được chào bán trên sàn này chủ yếu là thực phẩm tươi sống, bách hoá tiêu dùng, chăm sóc cá nhân, gia đình và đồ gia dụng, với khoảng 30.000 mặt hàng

Với các siêu thị nằm chủ yếu tại TP HCM, sàn này cũng chỉ mới áp dụng giao hàng tận nơi trong khu vực TP HCM. Đây được cho là một điểm yếu của Lotte.vn, bởi giao hàng tận nơi là ưu điểm của thương mại điện tử, và các sàn đều chấp nhận giao hàng trên phạm vi cả nước.

Cách hoạt động của Lotte.vn cũng tương tự như Adayroi. Trong khi hệ sinh thái của Vingroup khiến Adayroi đa dạng với nhiều sản phẩm, dịch vụ từ bán lẻ đến y tế, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ôtô, xe máy... thì lotte.vn của "đại gia" Hàn Quốc chỉ có thể tập trung vào ngành hàng tiêu dùng.  

Vì vậy, nếu so sánh với Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… độ đa dạng, phong phú về ngành hàng và mặt hàng của Lotte.vn lại càng khiêm tốn hơn.

Gần đây, sàn thương mại điện tử của Lotte còn kết hợp với nhiều nhà cung cấp khác trong lĩnh vực hàng tươi sống, hàng may mặc với nhiều ưu đãi, giảm giá. Tuy nhiên, cập nhật trên website lẫn ứng dụng, hiếm có sản phẩm nào được khách hàng đánh giá. Trong khi đó, tại các sàn khác, hoạt động đánh giá hàng hoá về các tiêu chí lại rất "nhộn nhịp" từ khen đến chê, từ chấm điểm 1 sao đến 5 sao.

Lotte.vn chọn cách hoạt động lặng lẽ?

Thực tế, tên tuổi sàn thương mại điện tử Lottte.vn ít được nhiều người biết đến, hầu hết người mua sắm tại đây đều là những khách hàng mua của hệ thống Lotte Mart. 

Từ khi hoạt động đến nay, "ông lớn" trong ngành bán lẻ Hàn Quốc rất lặng lẽ, không nhiều "chiêu trò" về marketing, "đốt tiền" thông qua chiến dịch quảng cáo có hình ảnh người nổi tiếng như Shopee với ca sĩ Sơn Tùng MTP, Tiki với loạt sao Việt đình đám bắt tay sản xuất MV "triệu view" thời gian qua.

Lotte tuyên bố giành 20% thị phần thương mại điện tử nhưng mờ nhạt, hụt hơi so với Lazada, Shopee… trước khi đóng cửa - Ảnh 3.

Thương mại điện tử hiện là cuộc chơi của 4 ông lớn Shopee, Tiki, Lazada, Sendo. (Nguồn: iPrice Group - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong các kết quả thống kê của iPrice Group về bản đồ Thương mại điện tử tại Việt Nam, Lotte.vn hầu như chưa từng có mặt trong các chỉ tiêu, gồm website có người dùng nhiều nhất, ứng dụng có lượng người sử dụng nhiều nhất và ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất…

Trong khi đó, top dẫn đầu luôn thuộc về Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Các ông lớn trong ngành thương mại điện tử này thường hoán đổi vị trí theo từng quý và hiếm có cái tên nào chen được vào. Ngay cả Adayroi của Vingroup cũng chỉ bền vững ở các vị trí thứ 6 đến thứ 9 qua các quý trong bảng xếp hạng thương mại điện tử tại Việt Nam, cho đến khi đóng cửa mới đây.

Sau 3 năm chinh chiến trong ngành thương mại điện tử, dường như Lotte đã đuối dần trước cuộc chơi này, dù tập đoàn đặt mục tiêu giành đến 20% thị phần. Tuy nhiên, trong thông báo đến đối tác cung cấp hàng hoá và khách hàng, Lotte chỉ cho biết do doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Dự kiến, từ ngày 20/1/2020, website Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động. Đến ngày 20/2/2020, Lotte sẽ hoàn tất công nợ với đối tác. Sau ngày này, mọi khiếu nại sẽ không được giải quyết.

Trước Lotte, hôm 18/12, Tập đoàn Vingroup cũng thông báo đóng cửa sàn thương mại điện tử Adayroi, sáp nhập vào Công ty VinID. Đến sáng 21/12, website lẫn ứng dụng sàn này chính thức "sập", khép lại vòng đời 5 năm có mặt trên thị trường của Adayroi.