Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức cuộc họp bàn các phương án ứng phó với mưa lũ miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Tiến chủ trì cuộc họp.
Hiện nay, lũ đã vượt lịch sử và mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt mưa lũ, sạt lở tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà đã đạt đỉnh là 5,35m vào 3h ngày 18/10, trên báo động 3 là 1,35m.
Trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn đã đạt đỉnh là 7,4m, trên báo động 3 là 1,4m. Ông Long cho biết đỉnh lũ này cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,1 m.
Chuyên gia cảnh báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Thạch Hãn có thể đạt đỉnh mới là 7,6 m, sau đó xuống dần. Tại sông Hiếu (huyện Đông Hà, Quảng Trị), lũ khả năng đạt đỉnh ở mức 5,5 m, trên báo động 3 là 1,5 m.
Sau đó, lũ trên sông Ngàn Sâu và các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên, các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam xuống dần.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ hôm nay đến 20/7, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở mức cao.
Một số huyện, thị xã ở mức rất cao như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê của Hà Tĩnh; Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch của Quảng Bình; Hướng Hoá, Đa Krong, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà của Quảng Trị.
Thừa Thiên Huế có 9 huyện thị xã nguy cơ sạt lở ở mức cao gồm: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, thị xã Hương Thuỷ, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà, thành phố Huế.
Trong 6 giờ tới, các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Bình được dự báo có mưa rất to, kéo dài đến 20/10, có nơi đặc biệt to với lượng mưa 400-600 mm.