Trước đó, nhiều báo trong đó có Ngày Nay đã phản ảnh việc khách hàng tố bị công ty ALMA "dụ" mua kỳ nghỉ với cách thức hoạt động nhiều bất thường. Ngày 24/04/2017, bản tin tài chính kinh doanh của Đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin về Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ của Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA).
Công văn của Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú gửi VTV |
Sau khi bản tin được phát hành, ALMA đã có những phản hồi chính thức và thông cáo báo chí trên Website alma.vn. Nội dung bản Thông cáo đưa ra nhiều vấn đề nhằm giải thích cho những vướng mắc, rắc rối pháp lý của ALMA gặp phải. Tuy nhiên, những lập luận, giải thích của ALMA chỉ mang tính chất ngụy biện, né tránh, đẩy trách nhiệm về phía khách hàng, đơn vị tư phấn pháp lý.
Trước những lý lẽ bao biện cho những hoạt động mập mờ của ALMA và cũng để bổ sung thêm những chứng cứ pháp lý để khách hàng hiểu cặn kẽ về sản phẩm “Sở hữu kỳ nghỉ”, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú đã có Công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam để phân tích các vấn đề. Ngày Nay sẽ đăng tải toàn bộ nội dung công văn này để độc giả hiểu hơn về những “mập mờ” trong hoạt động của Công ty Vịnh Thiên Đường tại dự án Khu nghỉ dưỡng ALMA tại Khánh Hoà.
Đối với điều khoản bồi thường giữa ALMA và Khách hàng
Tại bản Thông cáo báo chí ALMA khẳng định nội dung điều khoản được soản thảo phù hợp với quy định của BLDS trên nguyên tắc tự do tự nguyện cam kết. Điều này, trái với thực tiễn mà ALMA đã và đang làm.
Trong một buổi hội thảo với những lời hoa mỹ, khách hàng choáng ngợp bởi dự án, bởi mô hình nghỉ dưỡng cao cấp và sang trọng. Sau đó là những voucher, quà tặng, khuyến mãi hấp dẫn nếu khách hàng ký hợp đồng ngay buổi hội thảo. Tiếp đến là hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được đưa ra cho khách hàng.
Đây là hợp đồng có nội dung vô cùng phức tạp, những người am hiểu pháp luật như luật sư, luật gia cần phải có thời gian nghiên cứu mới hiểu được. Tuy nhiên, khách hàng chỉ có thời gian 30 phút để đọc và ký bản hợp đồng rất nhiều trang, nhiều điều khoản.
Với khoảng thời gian như trên, chỉ đủ để khách hàng đọc các chữ có trong hợp đồng mà chưa nói đến việc đọc hiểu, hoặc có ý kiến đối với hợp đồng. Điều này, khẳng định tính tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng là không có.
Nội dung Điều 9 hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, ALMA đã hạn chế quyền khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng, cụ thể: “Do đó, theo hợp đồng này, Khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng, Khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất cứ khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại Công ty..”. Tuy nhiên, ALMA vẫn khẳng định trong Thông cáo báo chí là Hợp đồng hoàn toàn không hạn chế quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện của khách hàng và đưa ra lời giải thích “Mục đích của điều 9 là để xác nhận rằng khi ký hợp đồng, khách hàng đã hiểu rõ toàn bộ các nội dung của hợp đồng và do đó nếu có tranh chấp phát sinh thì khách hàng sẽ không lấy lý do là khi ký Hợp đồng khách hàng không nhận thức đầy đủ về bất kỳ hoặc toàn bộ các quy định trong hợp đồng và từ đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố Hợp đồng vô hiệu để khách hàng có thể thoái thác các trách nhiệm của mình theo hợp đồng”.
Việc giải thích điều khoản này chỉ mang tính chất bao biện. Bản chất hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA đưa ra cho khách hàng là hợp đồng theo mẫu được quy định tại khoản 5 điều 3 Luật bảo vệ người tiêu dùng“Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”. Với những hợp đồng theo mẫu áp dụng quy định tại khoản 2 điều 407 BLDS 2005 và khoản 2 điều 405 BLDS 2015 thì trong trường hợp có điều khoản không rõ ràng, bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
Alma Nha Trang hiện vẫn... ngổn ngang |
Mặc dù ALMA dẫn chiếu quy định tại điều 4 của BLDS 2005 khẳng định nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận để cho rằng mình không hạn chế quyền khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng mà khách hàng tự cam kết.
Tuy nhiên, những lập luận này của ALMA thể hiện góc nhìn phiến diện khi điều 4 BLDS cũng ghi nhận “Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, năng cản bên nào”. Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu khách hàng phát hiện trước khi giao kết hợp đồng nhân viên ALMA có dấu hiệu lừa dối khách hàng để ký hợp đồng và thu tiền thì khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện quyền khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Do vậy, điều khoản hạn chế quyền khiếu nại của khách hàng tại điều 9 của hợp đồng đương nhiên không phát sinh hiệu lực theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong trường hợp sau đây: ....b, Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng”.
Như vậy, xét về giá trị pháp lý, điều 9 trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA không phát sinh hiệu lực pháp luật nên mọi lý giải của ALMA không có giá trị mà chỉ mang tính chất bao biện cho những thiếu sót, sai phạm của mình.
Về điều khoản bảo mật
Theo qui định tại khoản 2 Điều 387 BLDS 2015 về Thông tin giao kết Hợp đồng qui định: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết Hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”.
Nội dung bảo mật theo BLDS hướng tới là các thông tin bí mật của các bên. Tuy nhiên, quy định về “bảo mật’ trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA hướng tới: “…không Bên nào cung cấp bất cứ thông cáo báo chí nào hoặc tuyên bố trước công luận hoặc giao tiếp với bất cứ phương tiện thông tin đại chúng hoặc bên thứ ba nào liên quan đến Hợp đồng này hoặc các giao dịch dự kiến tại đây mà không có sự phê chuẩn trước của bên còn lại…”
Trong giao dịch dân sự, các bên có thể thỏa thuận cùng nhau giữ bí mật các thông tin, tuy nhiên vẫn có thể cung cấp thông tin trong nhiều trường hợp.Nếu ALMA và khách hàng phát sinh tranh chấp, khách hàng hoàn toàn có thể mời luật sư bảo vệ quyền lợi và cung cấp thông tin cho luật sư (bên thứ 3). Và luật sư có quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật mà không cần phải có sự đồng ý của ALMA.
Như vậy, tại Điều 13 của hợp đồng quy định không cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan truyền thông là vi phạm tại Điều 10, điều 11 Luật Báo chí, cản trở quyền tự do ngôn luận, cản trở hoạt động báo chí. Việc ALMA viện dẫn các lý do bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng là không phù hợp, trong trường hợp này khách hàng tự nguyện cung cấp thông tin của chính mình thì không được coi là vi phạm. Do vậy, những lý do ALMA đưa ra là ngụy biện không phù hợp với qui định của pháp luật Việt Nam.