Lúng túng tổ chức giao thông cho buýt nhanh

Theo kế hoạch từ 25/12, liên ngành Thanh tra - CSGT Hà Nội phải thực hiện phương án tổ chức giao thông trong đó có cấm nhiều loại xe trong giờ cao điểm để chuẩn bị phục vụ buýt nhanh (BRT). Tuy nhiên, hai ngày qua phương án trên vẫn chưa phát huy tác dụng.

Dựng biển báo nhưng chưa thực hiện khiến vi phạm Luật giao thông trên các tuyến phố có buýt BRT diễn ra phổ biến. Ảnh chụp tại phố Láng Hạ sáng 26/12. Ảnh: Như Ý.

Cấm… không xuể

Cùng với biển cấm xe tải, xe khách, sáng 26/12 nhiều người tham gia giao thông tại cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng thấy hai đầu cầu cắm biển cấm xe máy. Ngoài thông báo cấm lên cầu, biển cấm xe máy còn ghi thời gian cấm từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h30. Ban đầu cũng có nhiều người điều khiển xe máy thấy biển cấm đã không vượt lên cầu, tuy nhiên đến tầm hơn 7h, lượng phương tiện trên đường tăng cao, nhiều người đi xe máy đã bất chấp biển báo lao thẳng lên cầu.

Đến tầm 7h30, các phương tiện xe máy nối đuôi nhau lưu thông trên cầu Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương - Láng như khi chưa có biển cấm. Trên trục giao thông Giảng Võ - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông), sáng qua ngoài vạch kẻ liền, tại làn dành riêng cho buýt BRT người tham gia giao thông thấy tại cột biển báo đường ưu tiên phía trên còn kèm thêm hàng chữ “Làn đường dành riêng BRT”.

Tuy nhiên thay vì tuân thủ vạch kẻ đường, biển báo, nhiều ô tô xe máy vẫn lấn sang làn xe ưu tiên và lao đi vun vút. Do lượng phương tiện đông nên giờ cao điểm sáng 26/12, tất cả các làn đường dành cho xe buýt nhanh trên trục giao thông Giảng Võ - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) đều kín xe máy, ô tô.

Ghi nhận tình hình giao thông trên các trục giao thông có làn đường dành riêng cho xe buýt sáng qua như Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ… phóng viên chỉ thấy CSGT làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở các chốt cố định, còn phương tiện đi vào làn đường ưu tiên, vi phạm biển báo không thấy lực lượng này xử lý.

Lãnh đạo các Đội CSGT có các tuyến đường buýt nhanh hoạt động cho rằng, do Đội chưa nhận được chỉ đạo phải hướng dẫn, điều tiết phương tiện không đi vào làn đường ưu tiên cho buýt BRT, thậm chí xử phạt phương tiện vi phạm biển báo nên giao thông tại đây 2 ngày qua vẫn phải diễn ra như trước ngày 25/12.

Trước việc đường tắc, nhiều phương tiện phải vi phạm biển báo để lưu thông đang khiến giao thông trên các tuyến đường dành cho buýt BRT biển báo một đằng, phương tiện đi một nẻo, nhiều ý kiến cho rằng để luật lệ không bị “nhờn” các đơn vị có trách nhiệm cần có giải pháp, thậm chí nếu chưa thực hiện thì phải che mặt các biển báo lại.

Lý giải về việc này, chiều 26/12 đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do một số hạng mục nhà chờ, biển báo vạch kẻ sơn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên việc phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ buýt BRT như phương án đưa ra chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT cũng khẳng định, việc đưa buýt BRT vào hoạt động trên đường dành riêng như kế hoạch vẫn được thực hiện từ 1/1/2017 tới.

Chậm 6 năm, khiến giao thông cho buýt BRT thay đổi

Lý giải về dự án xe buýt nhanh (BRT) đưa vào sử dụng chậm 6 năm so với tiến độ, dẫn đến tình hình giao thông thay đổi, trao đổi với báo chí vừa qua, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, loại hình BRT lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam nên cả thiết kế và chính sách đều phải điều chỉnh, hoàn thiện.

Cụ thể, ông Viện nêu thực trạng, ngoài lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam dự án còn sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) nên các quy định, định mức áp dụng cho buýt BRT chưa có. Để dự án thi công được, thành phố Hà Nội phải phối hợp với các bộ ngành xây dựng và phê duyệt các định mức cho hình thức đầu tư trên. Theo quyết định phê duyệt, dự án đang có mức tổng đầu tư trên 50 triệu USD, còn theo tổng dự toán các hạng mục đã thi công, dự án đang có chi phí 41,6 triệu USD.

Trao đổi về nội dung này, bà Jung Eun Oh, đại diện WB cũng thông tin, dự án ban đầu có hành trình Kim Mã - Giảng Võ - Nguyễn Trãi - Hà Đông, tuy nhiên do tốc độ phát triển đô thị tại thành phố Hà Nội diễn ra nhanh chóng, đặc biệt hành trình này sau đó trùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT triển khai nên dự án đã phải điều chỉnh lại thiết kế, dẫn đến bị chậm.

Ghi nhận tình hình giao thông trên các trục giao thông có làn đường dành riêng cho xe buýt sáng qua như Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ… phóng viên chỉ thấy CSGT làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở các chốt cố định, còn phương tiện đi vào làn đường ưu tiên, vi phạm biển báo không thấy lực lượng này xử lý.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.