Theo báo Giao thông, tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 12/1, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, cho biết trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo. Trong đó, đáng chú ý là điện mặt trời áp mái.
Do vậy, năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu KWh trong năm nay (gấp 3,56 lần). Trong đó, có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500 kW.
Cụ thể, số liệu từ tháng 6/2020 cho thấy, sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000 MWp, nhưng đến tháng 12/2020 con số này tăng lên 10.000 MWp.
"Chính vì tăng đột biến như vậy, Trung tâm Điều độ hệ thống điện đã phải tiết giảm 365 triệu KWh trong năm 2020”, vị này nói.
Theo Tạp chí Kinh tế và môi trường, phân tích của ông Ninh cho biết số điện này do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.
Đến nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 365 triệu kWh. Ngày 27/12 là ngày có công suất cắt giảm lớn nhất.
Theo ông, trong các giờ thấp điểm trưa không thể giảm các nguồn điện khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo.
Nếu không tính theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa, tỉ trọng điện mặt trời lên tới 50 - 60% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, đặc biệt các ngày cuối tuần. Trước đó, báo cáo tổng kết của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra con số 25%.
VnEconomy dẫn lời ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, để giải tỏa năng lượng tái tạo, năm 2020 EVN đã đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện, đồng thời các đơn vị đã triển khai thực hiện các công trình: Nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; xây dựng mới các TBA 220kV Ninh Phước, Phan Rí...
Các Tổng công ty Điện lực (SPC, CPC) đã hoàn thành một số công trình lưới điện 110kV quan trọng. Vì vậy, từ tháng 8/2020 EVN đã đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới vào vận hành.
Mặc dù vậy, đến cuối năm, với việc các nguồn điện mặt trời được đưa vào vận hành với khối lượng rất lớn, trong khi nhu cầu phụ tải giảm thấp dẫn đến tình trạng thừa nguồn cấp và thực hiện cắt giảm công suất phát các nguồn điện, bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Trong năm 2021, Phó tổng giám đốc EVN cho biết sẽ tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid- 19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn.
Để giải quyết tình trạng này, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị năm 2021, EVN tập trung khai thác cao thuỷ điện để hỗ trợ cao điểm phụ tải chiều 17-18h khi điện mặt trời không phát và huy động thấp nhiệt điện than để giảm thiểu cắt giảm công suất điện mặt trời, nguy cơ hụt nước các hồ thuỷ điện so với kế hoạch.
Đề nghị các nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung ưu tiên phát điện trong cao điểm sáng (6h00-8h00) và chiều (17h00 – 20h00) của hồ thuỷ điện, hạn chế phát điện trong các khung giờ còn lại như 11h -13h chiều để giải toả công suất điện mặt trời. Đặc biệt sẽ không mua điện Trung Quốc trong năm 2021.
Kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn EVN, A0 về nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn và/hoặc quá tải lưới điện.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp để thông báo với các Chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo các phát sinh nêu trên cũng như giải pháp xử lý để phối hợp cùng EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn, quá tải...