Chiêu trò lôi kéo nhà đầu tư!
Nhân viên tư vấn tiền ảo tụ tập tại một quán cà phê bình dân "nàm kế" lôi kéo nhà đầu tư. |
Là đồng tiền “ảo” đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2010. Ngay sau đó, một số “đầu nậu” tài chính đã cấu kết với những hệ thống con tại nước ngoài để đưa những nhà đầu tư Việt vào tròng.
Nhằm thu hút “con mồi” những “đậu nậu” đưa ra những lời quảng cáo như: “Hình thức kinh doanh làm giàu nhanh nhất thế giới”, “đầu tư 1 thu lời 100 trong vòng 6 tháng”. Đồng thời, Bitcoin đưa ra các gói đầu tư 2 triệu tới 225 triệu để nhà đầu tư có thể tham gia. Cụ thể, nếu bỏ 2 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào việc “đào” Bitcoin. Nếu chăm chỉ “đào” thì chỉ trong vòng khoảng 15 ngày người chơi có thể đào được khoảng 4 triệu đồng. Với gói 29 triệu đồng, sau 2 tháng phân tách và nhân đôi thì người chơi có thể thu về 150 triệu đồng. Với những gói trên 29 triệu đồng người chơi chỉ cần “ngồi chơi” 1 tháng cũng có thể thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, với gói VIP 225 triệu đồng, dù không làm gì thì sau 1,5 năm, người chơi có thể thu về số tiền khoảng 5 tỉ đồng.
Với những lời “đường mật” như trên, Bitcoin đã thu hút khoảng 20.000 người tham gia tại Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư trên tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM với số tiền đầu tư hàng triệu USD.
Để chiêu dụ "con mồi" Bitcoin thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo công khai để “rót mật” vào tai khách hàng. Cùng với đó, các nhân viên của Bitcoin cũng được tuyển dụng ồ ạt để toả đi khắp nơi “tư vấn” để lôi kéo người chơi. Tuy vậy, thực chất hoạt động của Bitcoin chỉ dựa theo mô hình kim tự tháp (ponzi), lấy tiền đầu tư của người sau trả lãi cho người trước. Việc này là bất hợp pháp, tạo cảm giác công ty tạo ra lợi nhuận khủng. Để mở rộng hệ thống "người cấp trên” luôn luôn gợi ý có thể lấy lại tiền nếu tìm được khách hàng mới. Do vậy, ngày càng nhiều người bị “chiêu dụ” vào hệ thống trên.
Ông Nguyễn Hiển – chuyên gia kinh doanh online tại TP HCM cho biết: “Trên thế giới, đồng Bitcoin được giới tài chính chuyên nghiệp khá quan tâm. Do đó, những người tham gia vào Bitcoin cũng là những người có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính nên họ đầu tư rất chặt chẽ. Họ cũng có những hệ thống, người điều hành, cơ sở rõ ràng để thu hút người chơi.
Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam Bitcoin đã biến tướng như một hình thức kinh doanh đa cấp. Họ lôi kéo từ những người hành nghề xe ôm đến bà nội trợ, người nghỉ hưu cũng được mời rút tiền thật để mua tiền ảo. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người chơi, những người “thủ lĩnh” tha hồ “thả câu”. Họ sẵn sàng tung những tin đồn như kênh đầu tư thu lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để thu hút khách. Vì không có hệ thống chính nên khi đã thu được một số tiền nhất định họ sẵn sàng “bỏ trốn” và bỏ mặc khách hàng “sống dở chết dở”. Nhiều người do lỡ “sa chân” đầu tư vào Bitcoin nên phải đi lôi kéo người khác vào nhằm ăn hệ số hoa hồng để thu hồi vốn. Cứ như vậy, số lượng người bị Bitcoi lừa đảo ngày càng nhiều và số tiền Bitcoin thu được ngày càng cao”.
Từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cơ quan này cảnh bảo, nếu rủi ro xảy ra, người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, tiền ảo không phải là hàng nên không thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Ngày 10/3 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng khuyến cáo người tiêu dùng và nhà đầu tư thận trọng khi tham gia giao dịch và sử dụng tiền ảo, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những cú lừa "triệu đô"
Đồng Bitcoin. |
Cuối năm 2013, sau khi thu hút được khoảng 300 ngàn nhà đầu tư tại Việt Nam. Hệ thống Bitcoin đã ngưng hoạt động và mang theo hàng trăm triệu USD của nhà đầu tư. Lúc này, các nhà đầu tư “nháo nhào” tìm những người đại diện ở Việt Nam nhưng chỉ nhận họ đã “phủi tay” không một chút thương tiếc. Nguyên nhân chính được đưa ra là họ là những người được thuê để gây dựng hệ thống. Toàn bộ hệ thống chính được đặt ở nước ngoài và họ cũng không thể liên hệ với hệ thống chính để đòi lại số tiền cho các nhà đầu tư Việt. Dù biết bị lừa một cách trắng trợn nhưng nhà đầu tư không thể kiện ở Việt Nam vì Chính phủ chưa chấp thuận cho hình thức giao dịch tiền “ảo” bitcoin. Do đó, họ cũng chỉ biết “ngậm bò hòn làm ngọt” và rút ra bài học cho riêng mình.
Đầu tháng 8 vừa qua, Bitfinex – một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cho biết họ đã ngừng toàn bộ giao dịch để kiểm tra lại hệ thống sau sự cố bị hacker tấn công. Theo thông báo đã được phát đi, Bitfinex cho biết hacker đã tấn công vào hệ thống chính của Bitcoin và lấy đi 119.756 Bitcoin, tương đương hơn 65 triệu USD.
Ngay sau khi Bitfinex ngừng giao dịch, nhiều hệ thống con của Bitcoin tại Trung Quốc, Anh, Hồng Kông, Úc cũng đã ngưng giao dịch để tránh sự cố đánh cắp thông tin khách hàng. Tại Việt Nam, thị trường Bitcoin cũng bị dao động mạnh và giá Bitcoin cũng sụt giảm khoảng 30%.
Anh Nguyễn Công Hiếu (ngụ quận 4. TP.HCM) cho biết: “Tôi thực sự rất lo lắng khi giá Bitcoin giảm mạnh chỉ trong vài ngày qua. Hồi tháng 4,5, tỉ giá trung bình ở mức 10 triệu đồng/Bitcoin, tuy nhiên đầu tháng 6 vừa qua tỉ giá đã tăng đột biến lên 18 triệu đồng/Bitcoin khiến tôi thấy rất hào hứng. Nghĩ tỉ giá sẽ còn tăng cao nên tôi đã đầu tư gần 4 tỉ vào đồng tiền này".
"Hiện nay, tỉ giá giảm xuống chỉ còn khoảng 12 triệu đồng khiến tôi lỗ hơn 1 tỉ đồng. Hiện nay, các sàn đều ngưng dao dịch khiến tôi có nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư. Không chỉ riêng tôi, hàng ngàn khách hàng tại TPHCM cũng đang bối rối chưa biết phải làm gì để lấy lại tiền đã đầu tư”, anh này cho biết.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Anh, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Online tại TPHCM cho biết: “Sau sự cố hệ thống Bitcoin bị đột nhập, nhiều cơ quan đã nhảy vào phân tích và điều tra. Tuy vậy, để lấy lại số tiền đã mất là cực kỳ khó. Nhiều sàn cũng lợi dụng tình trạng này để tuyên bố phá sản nhằm “bùng” tiền của khách hàng. Cụ thể, năm 2014, sàn Mt.Gox cũng đã lấy lý do bị tấn công và gặp trục trặc kỹ thuật để ngăn khách hàng rút tiền. Không lâu sau sàn này tuyên bố phá sản khiến hàng trăm ngàn khách hàng mất trắng hàng chục triệu USD”.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Hồng Kông, hệ thống MyCoin đã ngừng hoạt động, mang theo 3 tỷ đôla Hong Kong ( tương đương 387 triệu USD) của nhà đầu tư khiến hàng ngàn khách hàng rơi vào hoàn cảnh “tan gia bại sản”.
Nhận thấy Việt Nam là thị trường dễ “hút” tiền nên sau Bitcoin, hàng chục loại tiền ảo khác đã liên tục mọc lên như nấm sau mưa như: Onecoin, Ilcoin, Leocoin, Octacoin, Swisscoin, Gemcoin.
Còn tiếp...