Niềm vui ngắn chẳng tày gang, Facebook đang phải bỏ thêm tiền để mua người dùng cho mình | |
Bán hàng qua Facebook: 'Đã kinh doanh là phải kê khai nộp thuế' |
Giao diện của mạng xã hội kinh doanh Azibai trong ngày 25/9. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngày 25/9, ông Lâm Long, Giám đốc thương mại của Công ty Cổ phần Công nghệ Mọi Người Cùng Vui cho biết, mạng xã hội kinh doanh Azibai của đơn vị này đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là mạng xã hội kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam.
Theo ông Long, mô hình kinh tế chia sẻ của thời đại công nghiệp 4.0 đang ngày càng đi sâu vào cuộc sống con người. Uber tận dụng thời gian nhàn rỗi của những chiếc xe gia đình để tạo ra thu nhập cho chủ xe thì Azibai tận dụng thời gian nhàn rỗi của từng con người để tạo ra thu nhập cho họ không phân biệt họ là ai.
Nhân viên văn phòng, người nội trợ, công nhân…đều có thể kiếm tiền bằng cách chia sẻ thông tin. Nếu từ thông tin chia sẻ đưa đến giao dịch thành công thì người chia sẻ sẽ nhận được một khoản tiền từ việc chia sẻ của mình.
Ông Long lấy ví dụ, một người nội trợ có tài khoản trên Azibai, khi thấy thông tin về một đôi giày bán trên ứng dụng này thì người nội trợ có thể chia sẻ thông tin đó lên Facebook, Zalo, Twitter…cho những người bạn, người thân của mình tiếp cận. Người có nhu cầu mua đôi giày sẽ liên lạc và làm việc với doanh nghiệp phân phối sản phẩm.
Nếu giao dịch xảy ra thành công thì người nội trợ sẽ được một khoản hoa hồng do doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đưa ra mà không phải làm gì thêm. Doanh nghiệp cũng sẽ phải trả cho Azibai một khoản phí nhất định khoảng từ 2-7,5%, tùy vào mặt hàng. Đơn cử như hàng điện máy thì Azibai thu 2%, mỹ phẩm thu 5%, thực phẩm chức năng thu 4.5%...
Hàng triệu người đang mua hàng trực tuyến trên mạng là cơ hội lớn cho mạng xã hội kinh doanh. |
Azibai giúp tối ưu hóa các hoạt động trong kinh doanh như: tiếp thị, bán hàng, quản trị, chăm sóc khách hàng. Các nhà sản xuất, bán sỉ, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều có thể thông qua Azibai để xây dựng chuỗi phân phối và hệ thống cộng tác viên. Những người cộng tác viên sẽ làm nhiệm vụ kết nối và chia sẻ thông tin hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của người bán hàng đến với người mua.
Ông Long cũng cho biết, khoản tiền mất nhiều nhất trong bán hàng đó là khâu tiếp thị. Cụ thể, nếu thông qua Facebook thì doanh nghiệp có thể mất vài chục triệu đồng để có được một trăm ngàn người tiếp cận. Tuy nhiên, với Azibai thì doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí tiếp thị so với cách làm truyền thống nhờ hệ thống cộng tác viên của mình.
“Ngoài việc tạo công cụ kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt thì Azibai sẽ là nhà phân phối và bán lẻ độc quyền cho các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Thay vì phải đặt hàng trên các trang thương mại điện tử của Gmarket (eBay) tại Hàn Quốc thì người dùng có thể đặt mua các sản phẩm bởi Gmarket Việt Nam thông qua Azibai và chỉ Azibai”, công Long nói.
Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ca cao Việt Nam (Vinacacao) chia sẻ, mỗi sáng thức dậy, Việt Nam có khoảng 600.000 sản phẩm để bán. Nếu bán hàng theo phương thức truyền thống thì mất rất nhiều thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp.
Việc phát triển theo xu hướng của nền công nghiệp 4.0 là điều tất yếu. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang phát triển công nghiệp 4.0 rất mạnh mẽ. Hiện nay, rất hiếm thấy một người bán hàng phải “mang hàng trên vai” để bán vì nó tốn rất nhiều thời gian và chi phí.
“Tại Vinacacao thì “cơn bão” công nghiệp 4.0 cũng đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người lao động. Với ứng dụng Azibai thì nhiều nhân viên kinh doanh khiếm thị của chúng tôi có thể dễ dàng chia sẻ thông tin sản phẩm và chăm sóc khách hàng từ xa”, ông Liêng nói.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế tại TP HCM, mạng xã hội kinh doanh Azibai là một bước đi sáng tạo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, thu hút người mua đến với ứng dụng này trong tương lai sẽ là “bài toán khó” mà doanh nghiệp cần phải giải được.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Theo các nhà khoa học, Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. |