Kể từ khi về tay người Thái, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên tục có kết quả kinh doanh thuận lợi. Sabeco đang tích cực chi mạnh cho các chiến dịch truyền thông, quảng cáo, tăng nhận diện thương hiệu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 do Sabeco vừa công bố cho biết trong quý này, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 9.745 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kì. Lợi nhuận gộp trong kì của Sabeco tăng đến 29%, đạt 2.399 tỉ đồng.
Cuối năm 2017, Thai Beverage của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại Sabeco thông qua công ty con Vietnam Beverage. (Ảnh: Getty).
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh từ 174 tỉ lên thành 251 tỉ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính lại cắt giảm đáng kể.
Trong quý III, chi phí bán hàng của Sabeco tăng khoảng 100 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái, đạt 764 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lí doanh nghiệp được duy trì ở cùng mức so với quý III/2018, là 181 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong kì của Sabeco đạt 1.801 tỉ đồng, tăng vượt bậc đến 41% so với cùng kì năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Sabaco đạt 5.257 tỉ đồng, tăng đến 1.003 tỉ, tương đương mức tăng trưởng 24%.
Nhếu tính trung bình, trong 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế mỗi ngày của Sabeco lên đến 19,4 tỉ đồng. So với cùng kì năm ngoái, mỗi ngày, lãi của Sabeco đã tăng thêm gần 4 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ kể từ khi tỉ phú Thái nắm quyền điều hành doanh nghiệp.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của Sabeco còn 4.279 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 4.045 tỉ.
Lợi nhuận trước thuế hàng năm của Sabeco. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Năm 2019, Sabeco đặt kế hoạch đạt 4.717 tỉ đồng lãi ròng, đến thời điểm này, doanh nghiệp bia chiếm thị phần lớn nhất thị trường đã hoàn thành được 91% kế hoạch cho cả năm.
Tiết lộ về kết quả kinh doanh thuận lợi này, lãnh đạo Sabeco cho biết nguyên nhân là 9 tháng đầu năm, sản lượng bán ra tăng, đồng thời giá thành bán sản phẩm cũng tăng khiến doanh thu tăng mạnh. Trong khi đó, nhờ việc tiết giảm được chi phí, nên lợi nhuận của Sabeco đã gần cán đích mục tiêu cả năm.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đạt 24.778 tỉ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Sabeco khoảng 14.793 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với đầu năm, chiếm gần 60% tổng tài sản doanh nghiệp.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của Sabeco cũng tiết lộ, khoản chi phí mà "ông lớn" này bỏ trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kì, trong khi các chi phí còn lại từ nhân công, khấu hao, bao bì đều ở mức tương đương hoặc được cắt giảm nhẹ.
9 tháng đầu năm, chi phí cho quảng cáo, truyền thông của Sabeco tăng đến 50% so với cùng kì, cuối năm có thể sẽ tiếp tục đội lên vì chiến lược gần đây của ông lớn này. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Đó chính là khoản đầu tư cho mảng quảng cáo, tiếp thị và hỗ trợ. Theo đó, 9 tháng đầu năm, tổng chi phí quảng cáo, tiếp thị Sabeco đã bỏ ra là 979 tỉ đồng, trong khi cùng kì chỉ ở mức 653 tỉ, tức đội lên thêm đến 326 tỉ, tương đương mức tăng 50%.
Thời gian qua, doanh nghiệp này thực hiện chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu bia Sài Gòn với slogan: "Lên như rồng", đi kèm đó là một loạt hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng lẫn marketing trực tiếp bằng pano, áp phích tại nhiều tuyến đường lớn.
Ban lãnh đạo Sabeco cũng cho biết sự thay đổi này chỉ nằm ở biểu tượng rồng và diện mạo của Bia Saigon cho có sự thống nhất giữa các sản phẩm. Sabeco đang tính toán cho chiến lược dài hạn, nhằm củng cố vị thế tại thị trường Việt Nam và trước mắt là tăng độ nhận diện thương hiệu.
Các hoạt động truyền thông, quảng cáo của Sabeco có thể bước đầu đang mang lại hiệu quả tốt, khi doanh thu từ mảng bán bia - mảng kinh doanh chính của Sabeco, tiếp tục tăng trưởng mạnh. 9 tháng đầu năm, doanh thu từ bán bia lên tới 24.303 tỉ đồng, tăng 2.472 tỉ so với cùng kì năm ngoái, tương đương mức tăng 11%.
Doanh thu từ bán bia đang giúp Sabeco chiếm khoảng 40% thị phần nội địa. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Doanh thu từ bán bia chiếm đến 86% doanh thu thuần của Sabeco. Việc ngày càng tăng về doanh số bán bia khiến Sabeco nhiều năm là thương hiệu sản xuất, tiêu thụ bia lớn nhất thị trường nội địa, với khoảng 40% thị phần.
Kế hoạch của Sabeco là gia tăng tỉ lệ thị phần nội địa trong những năm tiếp theo. Vì vậy, việc sẽ tiếp tục bỏ những khoản tiền lớn hơn cho truyền thông, quảng cáo sẽ là tất yếu với Sabeco. Mới nhất, Bia Sài Gòn đã đứng ra làm nhà tài trợ chính thức của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 tại Philippines.
Không riêng Bia Sài Gòn, ngay cả Sá xị Chương Dương, nếu như ban lãnh đạo trước đây không xem mảng kinh doanh nước ngọt là "mũi nhọn" của Sabeco, thì sau khi về tay người Thái, mọi việc đang dần thay đổi.
Tại đại hội đồng cổ đông năm nay, Chủ tịch HĐQT Chương Dương - ông Neo Gim Siong Bennett, khẳng định sẽ phục hồi lại thương hiệu nước giải khát có giá trị về mặt tên tuổi, di sản với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam.
Theo đó, không chỉ cải tiến cơ sở vật chất, nhân lực mà Chương Dương cũng sẽ dùng truyền thông, tiếp thị, quảng cáo để vực lại thương hiệu nổi đình nổi đám một thời này.
Tại mảng kinh doanh nước ngọt này, bước đầu cũng đã khả quan trở lại dù thị phần vốn nằm trong tay các hãng ngoại khác như Pepsi, Coca-Cola. Chương Dương đã chấm dứt được đà thua lỗ liên tiếp nhiều quý trước khi Thaibev tiếp quản.
Thực tế, không hẳn tỉ phú Thái đang "đốt tiền" nhằm giành thị phần, mà song song đó, ông muốn kết quả kinh doanh cũng phải tốt lên. Tổng giám đốc Sabeco Neo Bennett từng tiết lộ ông muốn từng đồng bỏ vào cho marketing đều phải thực sự hiệu quả.
Và cũng như Sabeco, Sá xị Chương Dương có kết quả kinh doanh đến hết tháng 9/2019 đã vượt 40% kế hoạch năm, đạt trên 14 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông hiện nay của Sabeco. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Cuối năm 2017, Thai Beverage của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại Sabeco thông qua công ty con Vietnam Beverage.
Với việc bỏ ra khoảng 5 tỉ USD, tỉ phú Thái đã nắm quyền chi phối hoạt động tại Sabeco khi là cổ đông lớn sở hữu 53,59% cổ phần. Sau khi nắm quyền chi phối, tỉ phú Thái đã nhanh chóng đưa người của mình vào ban lãnh đạo cấp cao của Sabeco.
Gần đây, lại rộ lên một số tin đồn cho rằng Sabeco đã thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Công Thương Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 10 vừa qua khẳng định đây là thông tin không đúng sự thật.
Theo Thứ trưởng, 2 cổ đông chính của Sabeco hiện nay là Vietnam Beverage của Thái Lan, nắm 53,59% cổ phần. Cổ đông còn lại là Bộ Công Thương nắm 36% cổ phần.
Ông Hải cũng cho biết thêm việc Nhà nước vẫn giữ cổ phần lớn tại đây nhằm giữ quyền phủ quyết về các hoạt động của công ty, nếu như các quyết định, chủ trương không đúng hoặc không phù hợp thì buộc phải yêu cầu thay đổi.