Có một kho đồ chơi vô tận và quý giá có sẵn trong nhà mà bố mẹ không biết |
Chị Trần Thị Kim Hoa (30 tuổi) hiện đang sinh sống tại Hà Nội và là mẹ của hai bé đáng yêu. Cách đây hơn một năm, chị Hoa bắt tay vào làm những kit thí nghiệm vui vô cùng hấp dẫn như thợ làm vườn tí hon, bong bóng tự phồng, chất nhờn ma quái… để hai bé nhà được thỏa sức khám phá.
Chị Kim Hoa, bà mẹ tạo ra những thí nghiệm rất sáng tạo cho con. |
Chị cũng thường xuyên đăng thành quả ba mẹ con có được sau mỗi thí nghiệm lên facebook cá nhân. Không ngờ, những video vui vui của ba mẹ con được rất nhiều bố mẹ hưởng ứng.
Cùng trò chuyện với Kim Hoa để hiểu thêm về những kit thí nghiệm vui cũng như tâm huyết của bà mẹ trẻ.
- Xin chào Kim Hoa. Bạn có thể chia sẻ đôi điều về bản thân hiện tại?
- Mình là mẹ của 2 em bé, bé gái 6 tuổi và bé trai 2 tuổi. Hiện tại mình là giáo viên Montessori 3-6 đang nghiên cứu và đào tạo giáo viên tại Viện đào tạo Montessorri Canada.
- Bạn bắt đầu có ý tưởng làm các kit thí nghiệm này từ bao giờ?
- Hàng ngày thấy con trẻ có quá đầy đủ vật chất nhưng lại thiếu những giờ chơi cùng bố mẹ, bạn của con là Ipad, điện thoại, máy tính… làm mình bứt rứt không yên. Chính ước mong bố mẹ chơi cùng con, vì một tuổi thơ không điện thoại đã giúp mình đã nghĩ ra một những bộ kit thí nghiệm. Các kit thí nghiệm sử dụng những nguyên vật liệu hàng ngày dễ kiếm như dầu ăn, kem đánh răng, viên sủi… để tạo ra những phản ứng hóa học vui mắt.
Thí nghiệm thợ làm vườn tí hon |
- Những khó khăn ban đầu bạn gặp phải khi bắt đầu làm việc này là gì?
- Mình là dân khối C, chứ không phải hóa lý nên phải cố gắng tự tìm hiểu rất nhiều. Mình cũng quá may mắn vì được nhiều người giúp sức. Như chồng mình, anh cực kỳ ủng hộ, còn là người hiện thực các ý tưởng của mình nữa chứ.
Vợ chồng mình biến một căn phòng trong nhà thành phòng thí nghiệm. Cô con gái 6 tuổi cũng tham gia cùng rất hào hứng… Mình lao vào tìm tòi, nghiên cứu. Nửa đêm cũng bật dậy làm. Có ngày mình chỉ ngủ 4 tiếng vì thấy quá đam mê với những thí nghiệm này.
Thí nghiệm núi lửa phun trào rất thú vị |
- Các nguyên liệu sử dụng để thực hiện các thí nghiệm này có thực sự an toàn cho trẻ không?
- Mình luôn gợi ý các bố mẹ tìm nguyên liệu từ các nhà sản xuất uy tín của Việt Nam hoặc dùng các nguyên liệu được cung cấp cho ngành y tế. Dù sao thì an toàn cho trẻ vẫn là vấn đề phải được đảm bảo hàng đầu.
Nguyên liệu để làm các thí nghiệm rất dễ kiếm |
- Bạn thấy các bé đã được tham gia thí nghiệm thích nhất điều gì?
- Trẻ em những độ tuổi này rất ham khám phá. Mọi thứ đều mới mẻ. Đặc biệt giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn vàng phát triển trí tuệ và tạo mối gắn kết chặt chẽ với gia đình. Vì vậy khi được tự tay làm nên các thí nghiệm vui hoặc tham gia 1 khâu, sẽ giúp các em bé vô cùng tự tin, hào hứng, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hiểu được các hiện tượng tự nhiên và nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Và quan trọng hơn cả, mình nghĩ bé được chơi cùng bố mẹ sẽ vui và hạnh phúc vô cùng vì hàng ngày chúng ta quá bận rộn, thời gian dành cho con quá ít nếu như hàng ngày bố mẹ đi làm, các con đi học.
- Bạn có chia sẻ gì về độ tuổi phù hợp của trẻ với từng thí nghiệm?
- Các thí nghiệm đơn giản thực sự phù hợp với các em bé 3 tuổi trở lên như: đèn la va (với dầu ăn và viên sủi), bong bóng tự phồng (với giấm và bakingsoda), chổi ma thuật (với sữa và màu thực phẩm)…
Còn các thí nghiệm phức tạp hơn như: núi lửa phun trào, kem đánh răng voi, Slime- chất nhờn ma quái thì phù hợp với các bạn 5+; thậm chí đến 15 tuổi vẫn yêu thích. Một số thí nghiệm còn có công thức hóa học phù hợp cả cho học sinh cấp 3.
Dưới đây là một số thí nghiệm đơn giản bố mẹ có thể tự làm cùng các con chỉ với các nguyên liệu trong bếp mà chị Kim Hoa gợi ý:
1. Bong bóng tự phồng
Các bé hào hứng với thí nghiệm bong bóng tự phồng |
Chuẩn bị
- Bóng bay
- Chai rỗng
- Một muỗng cà phê
- Một cái phễu
- Banking soda
- Giấm
Thực hiện
- Dùng phễu cho 2 - 3 muỗng baking soda vào bong bóng.
- Lau khô phễu, dùng phễu đổ giấm vào 1/3 chai rỗng (đến vạch).
- Tiếp theo, bọc bong bóng vào miệng bình sao cho kín miệng chai, (phải để phần chứa baking soda nằm ở ngoài).
- Cho bé túm lấy bóng, có phần baking soda và dốc bong bóng lên để bột đổ xuống chai thì ngay lập tức bong bóng sẽ căng phồng lên một cách kỳ diệu.
Thế nhưng bóng này vẫn chưa bay lên được, để nó “đụng nóc” cực đẹp như trong hình thì bạn cần mang nó đi chà xát nhẹ với bất kỳ vật liệu tổng hợp nào (vải, tóc trên đầu). Sau đó đặt nó lên trần/tường là xong!
Do baking soda tác dụng với giấm tạo ra CO2 và chính khí này đã thay chúng ta “thổi” bong bóng. Còn vụ lơ lửng trên trần nhà là do tĩnh điện sinh ra khi bạn chà xát. Bóng bay có thể ở trên đó tới 5 tiếng.
2. Đèn Lava
Thí nghiệm đèn Lava được một mẹ chia sẻ |
Chuẩn bị
- Dầu ăn
- Viên sủi
- Nước
- Màu thực phẩm
- Cốc trong suốt
Thực hiện
- Cho 50ml nước vào trong cốc, lượng nước chỉ bằng 1/5 cốc. Các bố mẹ có thể hướng dẫn con dùng 1 ngón tay của con đo lượng nước cần dùng.
- Con chọn màu thực phẩm con thích. Nhỏ màu thực phẩm vào trong cốc.
- Lắc đều cho nước màu tan vào nước (Mẹ giải thích luôn: do nước màu và nước cùng thành phần giống nhau nên sẽ hòa tan vào nhau.
- Đổ dầu ăn từ từ vào 3/4 bình, lượng dầu ăn cần gấp 3 lượng nước thí nghiệm mới đẹp mắt. Quan sát sẽ thấy dầu ăn nổi lên phía trên (do dầu ăn nhẹ hơn nước màu).
- Mẹ giúp bé bẻ viên sủi làm đôi. Sau đó lấy ½ viên sủi bỏ vào cốc nước màu và dầu ăn. Vậy là bé có 1 đèn Lava thật đẹp mắt!
Viên sủi nổi bọt khí đưa nước màu lên qua dầu ăn. Khi “ngoi” lên trên gặp không khí nước trở lại bình thường và vì nặng hơn dầu nên sẽ lại chìm xuống.
3. Chổi ma thuật
Thí nghiệm chổi ma thuật rất bắt mắt và dễ thực hiện |
Chuẩn bị
- Đĩa nhựa trắng
- Sữa tươi
- Màu thực phẩm
- Dish soap (nước rửa bát)
- Tăm bông
Thực hiện
- Đổ sữa ra đĩa
- Nhỏ màu thực phẩm vào đĩa sữa, các giọt màu sắc khác nhau ở cạnh nhau tập trung vào giữa đĩa
- Nhúng tăm bông vào nước rửa bát (lọ thủy tinh nhỏ)
- Dùng tăm bông chấm vào giữa đĩa.
- Quan sát thấy các đám màu rẽ ra, tăm bông di đến đâu màu loang ra đến đó
Xà phòng (nước rửa chén) có cấu trúc lưỡng cực, một đầu kỵ nước, một đầu không. Khi nhúng vào sữa, đầu kỵ nước giữ lại chất béo, protein và đẩy phần nước trong sữa ra các hướng, kết hợp với phẩm màu tạo nên sự bùng nổ màu sắc.
(Ảnh: NVCC)
Lối sống 04:43 | 25/07/2018
Lối sống 12:00 | 22/05/2018
Lối sống 03:01 | 15/05/2018
Lối sống 12:15 | 12/05/2018
Lối sống 03:33 | 29/09/2017
Lối sống 01:42 | 22/06/2017
Lối sống 03:39 | 15/06/2017
Lối sống 04:36 | 25/05/2017