Mẹ 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam chia sẻ bí quyết giúp con 'chiến đấu' với nỗi sợ học

Cắt củ su hào, chia hoa quả trong nhà hay nấu bếp chính là cách mẹ con “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã cùng nhau khám phá kiến thức.

Mới đây tại hội thảo “Giáo dục trải nghiệm - Để học Toán không còn là cuộc chiến”, chị Phan Hồ Điệp, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ những bí quyết giúp con mình biến những thứ không thích trở nên say mê và yêu thích hơn.

Gia đình có vai trò quan trọng trong phát triển tư duy trẻ nhỏ

Mở đầu cuộc chia sẻ, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã dẫn lại một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy việc trẻ em được nói chuyện, sẻ chia với người thân sẽ giúp kích thích tư duy một cách tốt nhất. Vì thế, quan niệm của người mẹ trẻ này là luôn tạo cho con cơ hội nói chuyện với bố mẹ, đó chính là cách học rất quý giá mà khi tuổi thơ con trôi qua rồi bố mẹ sẽ bỏ lỡ điều đó. Chính vì thế, chị Điệp thấy vô cùng xót xa khi kể về việc học sinh đang phải “chạy sô” học thêm.

Chị Điệp kể: “Gần nhà tôi có nhiều trường phổ thông. Cứ chiều chiều, sau giờ tan lớp, tôi lại thấy các bố mẹ hối hả chở con đến trung tâm nào đó học thêm trong khi mặt mũi đầu tóc các con nhàu nhĩ, nhem nhuốc. Nhiều em ngồi sau xe bố mẹ, tay cầm bánh mì gặm vội để đến lớp học cho kịp giờ. Tôi xót xa quá! Đáng ra, thay vì bị tống đến các trung tâm học thì các con phải được trò chuyện với bố mẹ về những điều ở trường để kích thích trí tuệ của mình. Bố mẹ không hề biết, việc cho con trò chuyện với người thân, học hỏi từ trải nghiệm của cuộc sống sẽ quan trọng hơn tống các em vào lớp học thêm”, chị Điệp cho hay.

me than dong do nhat nam chia se bi quyet giup con chien dau voi noi so hoc
Chị Điệp cho rằng để giúp con phát triển tư duy, gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng (Ảnh: FBNV)

Tạo sân chơi để giữ chân con

Trong suốt buổi chia sẻ, chị Điệp đã nhấn mạnh nhiều lần về thuật ngữ “Learn by doing”, để nói về việc cha mẹ cùng con học tập bằng cách trải nghiệm cuộc sống. Học trải nghiệm của mẹ con Nhật Nam là biến những kiến thức con học trên lớp thành những thứ có thể thực hành được ở trong đời sống. Ví dụ, ở môn tiếng Anh, Nam bắt đầu đi học từ lúc chuẩn bị vào lớp 1. Lúc bấy giờ, Nam chưa hề biết viết do gia đình không dạy Nam biết đọc và biết viết sớm với một tiêu chí là để dành điều bất ngờ, mới lạ và thú vị để em khám phá ở trường học. Những buổi đầu đi học về Nam không thích vì các bạn đã biết viết còn em thì chưa nên em bị học chậm so với các bạn. Đã mất 1 tháng liền chị Điệp đứng ở gầm cầu thang của trung tâm Nam học tiếng Anh chỉ để xem ngày hôm nay ở lớp cô dạy trò chơi gì thì ở nhà mẹ cũng sẽ dạy lại. Về sau, chị nhận ra rằng những trò chơi của cô mình cũng tự nghĩ ra được nên mình đã tự sáng tạo ra các trò chơi ở nhà.

Chị quan niệm, thay vì ép con học thật nhiều, phụ huynh nên bình tĩnh hướng con đi theo niềm yêu thích riêng, cho con tiếp xúc với những việc gần gũi trong cuộc sống. Chị Điệp cho biết, nắm được điểm yếu là rất thích ăn uống, cứ cái gì liên quan đến ăn uống là bạn ấy thích. Cho nên, chị đã đánh vào tâm lí đó. Chị đã cho con tiếp cận việc học từ các clip dạy nấu ăn bằng tiếng Anh. Tất cả những giờ học tiếng Anh ở nhà chuyển từ bàn học sang làm bếp. Hay tương tự với môn Toán, trước đây con chị rất không thích học Toán. "Cứ nói đến học Toán, Nam lại không chịu làm bài, tí tí lạ kiếm cớ rời khỏi chỗ rồi vặn vẹo. Ví dụ, bài yêu cầu tính vận tốc của xe, con sẽ bảo kệ chứ mẹ, người ta đi thế nào là việc của người ta, sao mình phải tính hộ họ. Cứ mỗi một lần thi hoặc giờ kiểm tra môn Toán, con sẽ tỏ ra ốm yếu và lấy lý do ốm để xin được nghỉ học", chị Điệp kể.

Không bỏ cuộc, chị Điệp tiếp tục hành trình trải nghiệm với con. Trước tiên, biết con thích ngôn ngữ, thích đọc sách, chị đã chọn cho con những cuốn sách đẩy trí tưởng tượng lên cao; đồng thời chủ đề là nói lên vẻ đẹp của toán học và của các con số. Bên cạnh đó, chị cũng tự nghĩ ra các đề bài xung quanh cuộc sống. Chị đặt ra bài toán như cắt củ xu hào có thể cắt thành bao nhiêu miếng, chiều dài, chiều rộng các hình ấy như thế nào. Hay vừa dạy toán vừa dạy con cách tiêu tiền, đưa ra đề bài mỗi tháng tiết kiệm một số tiền nào đó thì đến bao giờ con tiết kiệm được 210.000 đồng để chỉ cho con về quy luật của dãy số…". Để học về phân số thì chị đố Nam cách chia hoa quả trong nhà. Ngoài ra, chị còn thường xuyên kết hợp toán học với các môn học khác qua các đề bài khác nhau.

Qua các trò chơi đó, Nam tỏ ra rất thích thú với môn học và nó kéo dài được rất lâu. “Tôi coi đây là một trải nghiệm với việc để con có thể học tốt bằng cách tự thực hành. Chính vì thế, bất cứ điều gì đó cảm thấy khô khan trên sách giáo khoa tôi đều cố gắng biến nó thành hoạt động trải nghiệm của Nam”, chị Điệp bật mí.

Không đặt nặng vấn đề điểm số

Cùng cách giáo dục bằng trải nghiệm của mẹ và sau này khi sang Mỹ học, Nam vô cùng thích thú với cách tiếp cận thú vị của giáo viên như: đố học sinh ai có kết quả bài toán nhanh hơn mà không cần quan tâm đến cách giải, đề nghị học sinh nếu tìm ra đáp án khác thầy thì báo cáo để thầy xem lại bài của mình.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để trẻ không sợ học, kinh nghiệm của mẹ Nhật Nam là giờ học luôn bắt đầu bằng những thứ con thích học trước; hạn chế tối đa giục "Con đi học bài đi" thay bằng những câu gợi mở như “Hôm nay con có nhiều bài không?” hay “Bài vở hôm nay có gì hứng thú?”. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên rèn cho con học trong môi trường không quá yên tĩnh và tạo ra các trò chơi đố con ngồi học được lâu, tập trung hơn.

Để xây dựng được tất cả điều trên, chị Điệp cho rằng mỗi phụ huynh cần gạt bỏ vấn đề điểm số. Chị nói, hồi học tiểu học, điểm Toán của con tôi chỉ độ 5-6, trong khi rất nhiều bạn trong lớp đạt điểm 9-10. Tôi không chạy theo điểm số, áp lực thi cử ấy. Tôi không dạy Nam học trước hay cho tham gia trường chuyên lớp chọn để con được thoải mái học hành. Đặc biệt, tôi chấp nhận những điểm chưa tốt của con, luôn nhìn vào điểm tích cực để rồi đồng hành cùng con trong việc học", chị Điệp nhấn mạnh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.