Sáng 24.10, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phối hợp nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) tổ chức lắp ray tàu điện ngầm tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thuộc gói thầu số 3, đoạn ga Phước Long - ga Bình Thái (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức).
Mô hình đường ray tàu điện ngầm sau khi lắp đặt xong trên tuyến đường sắt đô thị số 1. ẢNH: AN HUY |
Đường hầm đầu tiên nối ga Ba Son - ga Nhà hát TP.HCM, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 781m, sâu 17m, do robot TBM đào đã hoàn thành sau gần 5 tháng thi công liên tục.
Đúng 8 giờ, các công nhân thuộc nhà thầu Hitachi đưa những thanh ray tàu điện ngầm đầu tiên vào vị trí đường sắt trên cao tại ga Phước Long (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) và điều khiển máy hàn công nghiệp, nối các thanh ray lại với nhau trước khi đặt xuống mặt sàn hiện hữu đổ bê tông cố định.
Theo ông Nguyễn Hữu Quân, kỹ sư trưởng hệ thống đường ray nhà thầu Hitachi, quá trình lắp ray sẽ thi công từ trên xuống dưới. Sau khi thanh ray được hàn ghép dài khoảng 200m (hàn 8 đoạn ray, mỗi đoạn 25m), đặt lên tà vẹt (điều chỉnh cao độ đường ray) sau đó đặt cốt thép bên dưới thanh ray và đổ bê tông.
Khi đổ bê tông xong thì đường ray sẽ cố định nguyên vị trí thiết kế không thể sai lệch. Trung bình một ngày sẽ lắp được khoảng hơn 40 ray (khoảng hơn 1.000m). Dự kiến đoạn từ ga Phước Long - ga Bình Thái sẽ lắp xong toàn bộ ray trong vòng 5 tháng.
“Đường ray xe lửa tuyến Bắc - Nam hiện dùng ray Trung Quốc, độ cứng thấp. Còn ray tàu điện ngầm được sản xuất tại Nhật Bản, theo tiêu chuẩn châu Âu, có độ cứng rất cao phục vụ cho tàu hoạt động cao tốc và vận chuyển khối lượng hành khách lớn. Khoảng cách giữa hai thanh ray là 1,435m”, kỹ sư Nguyễn Hữu Quân cho biết.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, lễ khởi công lắp ray tàu điện ngầm đánh dấu chuyển sang một giai đoạn mới trong quá trình thi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM. Để dự án phát triển đến hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của các ban ngành UBND TP.HCM và hỗ trợ của cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị số 1 là công trình trọng điểm của TP giải quyết việc đi lại cũng như kết nối giao thông của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. TP kỳ vọng hệ thống metro này sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ giao thông cửa ngõ phía đông TP và thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại.
Khớp nối giữa ray tàu điện ngầm với mặt đường. ẢNH: AN HUY |
Tuyến metro đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là 1 trong 8 tuyến metro trong quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự án có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA (Nhật Bản) gồm 3 gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện. Đến nay tổng khối lượng của dự án đạt 43%.
Tháng 8.2012 gói thầu đầu tiên xây dựng trên cao và depot (ga Ba Son - depot Long Bình) do nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco 6, thực hiện dài 17,1km bao gồm 11 ga trên cao và khu depot sửa chữa tàu, đến nay đạt 72% khối lượng công trình.
Gói thầu 1b (ga Nhà hát TP - ga Ba Son) đã được robot TBM đào xong đường hầm 781m, do nhà thầu Shimizu - Maeda làm chủ đầu tư. Ngày 31.10 sẽ tổ chức lễ đón robot TBM chui ra từ ga Nhà hát TP.HCM, đến nay đạt 53% khố lượng công trình; gói thầu 1a (ga Bến Thành - ga Nhà hát TP) do nhà thầu liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4 thi công đến nay đạt khoảng 18% khối lượng công trình.
Đoạn đường sắt trên cao từ ga Phước Long - ga Bình Thái (Q.Thủ Đức) dự kiến lắp xong trong vòng 5 tháng. ẢNH: AN HUY |
Những thanh ray tàu điện ngầm được chất thàng đống chuẩn bị được công nhân vận chuyển lắp ray lên mặt đường sắt đô thị số 1. ẢNH: AN HUY |