Minh Phú sẽ phải tái cơ cấu các thị trường xuất khẩu sau vụ kết luận tránh thuế CBPG ở Mỹ

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong khi vụ việc một chi nhánh của Minh Phú bị tố gian lận xuất xứ nhằm tránh thuế chống bán phá giá vẫn đang diễn biến phức tạp và bất lợi, công ty có thể sẽ phải tái cơ cấu các thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo tăng trưởng doanh số.

Sau hơn một năm nhận được đơn kiện của một doanh nghiệp tôm nội địa Mỹ, Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) đã chính thức kết luận MSeafood - một chi nhánh của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) vào ngày 13/10 vừa qua. Trước quyết định bất lợi này, Minh Phú cho biết sẽ kháng cáo. 

Về hoạt động kinh doanh, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy sức cạnh tranh tại Mỹ của công ty có dấu hiệu suy giảm đồng thời quan ngại về tiến độ triển khai công nghệ nuôi mới, thứ quyết định tăng trưởng của công ty trong tương lai. 

Theo dõi tỉ trọng doanh thu theo các vùng địa lý của công ty,  VDSC nhận thấy dấu hiệu của việc giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ khi tỉ trọng khu vực Bắc Mỹ đã giảm từ 53% năm 2019 xuống 40% trong nửa đầu năm nay.

Điều này, theo quan điểm của VDSC, chủ yếu là do mức thuế CBPG 0% dành cho 31 công ty tôm Việt Nam trong năm nay, thấp hơn rất nhiều mức 4,58% của năm ngoái, bên cạnh việc các nhà nhập khẩu có thể đã chủ động giảm hoặc ngưng mua hàng của công ty nhằm tránh liên lụy pháp lí đến vụ kiện.

Trong khi vụ việc vẫn đang diễn biến phức tạp và bất lợi, công ty có thể sẽ phải tái cơ cấu các thị trường xuất khẩu nhằm đảm bảo tăng trưởng doanh số. 

Đồng thời, VDSC cũng không loại trừ khả năng tiếp tục chậm tiến độ triển khai công nghệ nuôi mới tại các trại nuôi tôm của công ty, gián tiếp ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trong thời gian tới. 

Theo chia sẻ trước đây của Chủ tịch HĐQT, việc chậm tiến độ triển khai công nghệ nuôi mới trong năm 2019 là do công ty phải tập trung toàn bộ các nguồn lực vào vụ kiện.

VDSC: Minh Phú sẽ phải tái cơ cấu các thị trường xuất khẩu sau vụ kết luận tránh thuế CBPG ở Mỹ  - Ảnh 1.

Lợi nhuận 2020 dù tăng trưởng cao nhưng nhiều khả năng không hoàn thành kế hoạch

Theo thông tin từ báo cáo tài chính quý III/2020 của công ty mẹ vừa được công bố, doanh thu quý III/2020 đạt 2.781 tỉ đồng, giảm 14,6% nhưng lãi trước thuế đạt 183 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng nhờ ứng dụng công nghệ mới tại các vùng nuôi của công ty làm giảm giá thành nguyên liệu, mặc dù nhu cầu thị trường phục hồi chậm do ảnh hưởng bất lợi của dịch bệnh. 

Sau 9 tháng, doanh thu công ty mẹ đạt 6.618 tỉ đồng, giảm 21% và lãi trước thuế công ty mẹ giảm 14% về 446 tỉ đồng. 

Trên quy mô tập đoàn, Minh Phú ghi nhận doanh thu nửa năm ở mức 5.580 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng và lãi trước thuế 270 tỉ đồng, tăng trưởng mạnh 49% nhờ các cải cách trong nuôi tôm, tái cấu trúc tài chính và chênh lệch tỉ giá hối đoái. 

Ngành tôm Việt Nam đã hưởng lợi, chủ yếu tại thị trường Mỹ, từ sự sụt giảm tạm thời sản lượng tôm Ấn Độ từ cuối quý II đến hết quý III khi đối thủ lớn nhất chật vật đối phó với dịch bệnh. 

Đến nay, các hoạt động nuôi và chế biến tôm của Ấn Độ đã trở lại bình thường và được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết tốt. 

Ecuador, đối thủ lớn thứ hai của tôm Việt Nam, đã chuyển hướng thị trường nhanh chóng từ chỉ tập trung vào Trung Quốc sang phân bổ đều vào cả ba thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu từ tháng 8.

Ngoài ra, số ca nhiễm bệnh đang tăng nhanh trong mùa đông tại Mỹ và châu Âu có thể buộc các nước tái áp đặt các lệnh giãn cách xã hội như trong quý II.

Vì vậy, VDSC cho rằng cạnh tranh với tôm các nước khác sẽ tăng trong khi nhu cầu đi ngang hoặc giảm trong các tháng tới. 

VDSC dự báo doanh thu hợp nhất cả năm 2020 có thể đạt 13.160 tỉ đồng, giảm 22% và  trước thuế hợp nhất ở mức 720 tỉ đồng, tăng 45%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 1.430 tỉ đồng.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.