Mirae Asset: Ngành cảng biển chịu áp lực từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu ở các thị trường xuất khẩu

Theo World Bank, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang trong vùng tiêu cực. Tăng trưởng GDP ở các thị trường này trong năm nay dự kiến ở mức thấp, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và ngành cảng biển.

Báo cáo cập nhật ngành cảng biển của Chứng khoán Mirae Asset cho biết, ngành cảng biển đang chịu áp lực từ nhu cầu suy yếu. 

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khi các Ngân hàng Trung ương duy trì việc tăng lãi suất điều hành để đưa lạm phát về mức mục tiêu, bên cạnh các chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Ukraine.

Tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế phát triển trong năm nay dự kiến ở mức thấp, bao gồm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ (tăng 0,5%), EU (0%), Nhật Bản (tăng 1%).

Tăng trưởng thấp kết hợp với lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng xuất nhập khẩu và thông quan. Điều này sẽ khiến cạnh tranh ở mảng khai thác cảng gay gắt hơn, đặc biệt ở khu vực miền Bắc khi công suất liên tục được mở rộng. 

Sự phục hồi của hoạt động thương mại sau đại dịch cũng đang ở mức thấp hơn so với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ. Chỉ số giá vận tải biển thế giới hiện đã về mức trung bình giai đoạn 2011 - 2020. 

Trong năm nay, Mirae Asset cho rằng các công ty có doanh thu chính từ cung cấp dịch vụ vận tải biển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn và mức biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. 

Trước đó, trong tháng 1, giá trị xuất nhập khẩu ghi nhận mức giảm 25% so với cùng kỳ, ước đạt 46,5 tỷ USD, sau giai đoạn tăng trưởng tốt trong năm 2022. 

Đây cũng là mức giảm mạnh nhất từ năm 2018. Các mặt hàng chủ lực ghi nhận tăng trưởng âm trong tháng 1 gồm điện tử (giảm 11,5%), điện thoại (giảm 18,6%); máy móc thiết bị (giảm 25,2%); hàng dệt may (giảm 30,7%), giày dép (giảm 17,7%).

Hoạt động sản xuất trong tháng 1 cho tín hiệu giảm không chỉ đến từ yếu tố trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, mà còn phản ánh nhu cầu đang yếu đi khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều đi xuống. 

Theo Mirae Asset, việc này nhiều khả năng sẽ kéo theo sự suy giảm trong hoạt động xuất nhập khẩu trong cả quý I/2023. 

Bên cạnh đó, theo World Bank, chỉ số niềm tin tiêu dùng trên thế giới và các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang trong vùng tiêu cực. Một số thị trường chủ lực như Mỹ và EU, niềm tin tiêu dùng đang ở mức gần tương đương với các cuộc khủng hoảng tài chính. Chỉ số này ở Trung Quốc thậm chí thấp hơn trong các giai đoạn khủng hoảng.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.